Pháp luật về đặc xá của một số quốc gia trên thế giới

Thứ Ba, 29/05/2018, 14:36 [GMT+7]
    1. Hoa Kỳ
 
    Ở Hoa Kỳ, Tổng thống có quyền tha tù theo thể thức đặc biệt đối với một số trường hợp xét thấy đáng được hưởng sự khoan hồng. Khi quyết định tha tù, Tổng thống có toàn quyền và không buộc phải đưa ra lý do của quyết định đó và không phải chịu bất kỳ một sức ép nào, kể cả từ tòa án, từ các cơ quan tư pháp. Việc tha tù được quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và không phụ thuộc vào một sự kiện chính trị - xã hội nào cả. Số lượng được tha mỗi năm có thể lên đến hàng trăm phạm nhân. Tổng thống cũng có quyền cho người bị kết án tử hình được hưởng sự ân giảm (tha tội chết) khi xét thấy cần thiết, sau khi người đó bị tòa án liên bang kết án.
 
    Riêng ở bang Alaska, Luật của bang này quy định thống đốc bang có quyền ra lệnh đặc xá. Theo đó, Ban tha bổng sẽ xem xét từng vụ việc và đệ trình Thống đốc về việc xem xét ân giảm đó. Việc xem xét, thực hiện ân giảm theo thẩm quyền của bang chỉ áp dụng với tội phạm thực hiện theo luật pháp của bang này mà không áp dụng đối với tội phạm thực hiện theo luật pháp của liên bang, thành phố bang hoặc bang khác. Vì hậu quả pháp lý của đặc xá trong trường hợp triệt để và không có điều kiện rất giống với hậu quả pháp lý trong trường hợp đình chỉ chấp hành hình phạt, nên trừ trường hợp đặc biệt, đặc xá không áp dụng đối với người phạm tội đã được áp dụng biện pháp đình chỉ chấp hành hình phạt.
 
    2. Cộng hòa Pháp
 
    Tại Pháp, quyền ban hành quyết định đặc xá của Tổng thống bị nhiều người chỉ trích vì đặc xá được thực hiện trong khi đã có những quy định khác trong pháp luật hình sự cho phép điều chỉnh mức độ nghiêm khắc của hình phạt trong trường hợp đặc biệt hoặc để sửa chữa sai lầm của cơ quan tư pháp. Quyền hạn này của Tổng thống không phải là mới mà đã có từ thời phong kiến, trước Cách mạng Tư sản Pháp.
 
    Điều 133-7 Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Pháp quy định quyết định đặc xá chỉ có hiệu lực cho miễn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, quyết định đặc xá không ngăn cản quyền của người bị hại yêu cầu được bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Các hình phạt tù, phạt tiền, tước quyền đều có thể được đặc xá. Bản án vẫn tồn tại và được ghi vào trong lý lịch tư pháp và là căn cứ để xác định hành vi tái phạm hoặc xác định được hưởng án treo. Tuy vậy, số người được đặc xá rất ít, chiếm khoảng 1% số lượng người xin đặc xá.
 
    Bên cạnh quyết định đặc xá đặc biệt, còn có quyết định đặc xá tập thể, được ban hành trong dịp sự kiện đặc biệt hoặc vào ngày lễ lớn (bầu cử Tổng thống, ngày Quốc khánh) và dành cho một số lớn phạm nhân mà không tính đến tình trạng riêng của từng người. Đây cũng được coi là một biện pháp giảm bớt sự quá tải của các trại giam.
 
    3. Italia
 
    Điều 87 Hiến pháp Italia quy định Tổng thống có quyền ra lệnh đặc xá, giảm hình phạt; tuy vậy, lệnh đó không có hiệu lực nếu không có tiếp ký của bộ trưởng đề xuất việc đặc xá, giảm hình phạt đó.
 
    Ngoài đặc xá, đại xá được ban bố trong những dịp lễ lớn hoặc có sự kiện quan trọng của đất nước. Đại xá có thể quyết định trước hoặc sau khi tòa tuyên án. Nếu áp dụng trước khi tuyên án, đại xá có thể hủy bỏ tính chất tội phạm của hành vi và trong trường hợp khác là giảm hình phạt. Mặc dù vậy, những người được đại xá vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ và điều kiện khác, như thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự sau khi được đại xá. 
 
    Việc áp dụng biện pháp này nhiều lần là để tăng cường an ninh xã hội sau một giai đoạn lịch sử bất thường; làm giảm bớt số lượng vụ án hình sự tăng đột biến gây quá tải trong các nhà tù. Do đó, đại xá được sử dụng như sự thay thế cho sự tăng cường cải cách hệ thống tư pháp hình sự, mà mục tiêu gắn liền với việc bảo vệ giá trị cơ bản của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của xã hội công dân thông qua việc giảm bớt việc áp dụng luật hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng đại xá cũng bị chỉ trích vì nó làm giảm tính đe dọa trừng phạt tội phạm của luật hình sự, phủ định nỗ lực của cảnh sát và thẩm phán tòa án và do đó, làm gia tăng số lượng người phạm tội. Do vậy, năm 1992, Hiến pháp Italia đã sửa đổi quy định về việc áp dụng biện pháp đại xá tại Điều 79. Theo đó, đại xá được phê chuẩn nếu hai phần ba nghị viện thông qua, thay vì quy định thông qua bằng đa số như trước đây. Với quy định này, từ năm 1992 đến nay, tại Italia, không có lệnh đại xá nào được ban hành.
 
    4. Canada
 
    Tại Canada, đặc xá có ý nghĩa pháp lý giống việc xóa án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, được xem xét và quyết định bởi Ban tha tù quốc gia, cơ quan được thành lập và hoạt động theo Luật hồ sơ hình sự, Bộ luật hình sự và các quy định khác. Đặc xá cho phép một người bị kết án hình sự theo luật pháp liên bang, nhưng đã chấp hành xong bản án và thể hiện rõ khả năng chấp hành pháp luật của mình, thì hồ sơ vụ án của họ được xếp ra ngoài các hồ sơ vụ án và án tích hình sự khác.
 
    Được coi là chấp hành xong hình phạt nếu người bị kết án đã thực hiện những việc sau:
 
    - Trả toàn bộ khoản tiền phạt, chi phí, án phí và các khoản tiền đền bù khác;
 
    - Chấp hành hết thời hạn phạt tù, hết thời hạn thử thách đối với biện pháp trả tự do có điều kiện, hết thời hạn giám sát đối với biện pháp quản chế;
 
    - Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của pháp luật trong thời gian bị quản chế.
 
    Theo quy định của Bộ luật hình sự Canada, thời hạn chờ xem xét xóa án tích sau khi chấp hành xong hình phạt là:
 
    - Ba năm đối với tội phạm không nghiêm trọng;
 
    - Năm năm đối với tội phạm nghiêm trọng.
 
    5. Cộng hòa Séc
 
    Đặc xá, đại xá và ân giảm được quy định tại Điều 23, Phần 4 Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa Séc. Thẩm quyền được quy định tại Điều 69 (g) Hiến pháp, theo đó, chỉ Tổng thống mới có quyền ra lệnh đặc xá. Lệnh đặc xá sẽ miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt do tòa án quyết định, chấm dứt truy tố hoặc đình chỉ việc buộc tội. Chỉ Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới có quyền đề xuất đặc xá và đệ trình cho Tổng thống xem xét, phê chuẩn.
 
    Hiện tại ở Cộng hòa Séc có những quan điểm xem xét lại quyền lực hiến định của tổng thống trong việc ra lệnh đặc xá. Tổng thống có quyền ra lệnh đặc xá theo quy định của Hiến pháp, theo đó, Bộ trưởng Bộ tư pháp phải tiếp ký trong lệnh này hoặc một thành viên của Chính phủ có thẩm quyền. Đặc xá được ban bố tương đối thường xuyên tại Cộng hòa Séc, trong những dịp bầu cử người đứng đầu nhà nước (Tổng thống) hoặc nhân dịp ngày lễ quan trọng của quốc gia hoặc sự kiện trọng đại khác.
 
    6. Ấn Độ
 
    Ở Ấn Độ, theo pháp luật quy định thì Tổng thống và Thống đốc bang có thẩm quyền trong việc đặc xá. Tổng thống có quyền đặc xá trên toàn lãnh thổ, cho tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của bang cũng như luật của trung ương. Thống đốc bang chỉ có quyền đặc xá trong phạm vi lãnh thổ của bang, đối với những hành vi vi phạm pháp luật do cơ quan lập pháp của bang ban hành. Theo quy định của Luật Hiến pháp Ấn Độ, cùng với các quyết định nếu không có sự cố vấn của Chính phủ, trừ một số trường hợp đặc biệt.
 
    Trong trường hợp đặc xá, Tổng thống và Thống đốc bang phải ra quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Tổng thống và thống đốc bang có thể yêu cầu Chính phủ xem xét lại đề xuất của mình; tuy nhiên, nếu Chính phủ không rút lại đề xuất, vẫn giữ nguyên ý kiến thì Tổng thống và Thống đốc bang bắt buộc phải ký. Tổng thống và Thống đốc bang thường thuộc về cùng một đảng chính trị, vì vậy trước đây mỗi lần thay đổi đảng cầm quyền, thay đổi Tổng thống thì thường dẫn đến thay đổi một loạt Thống đốc bang.
 
    Theo sự phân cấp, tổng thống Ấn Độ chỉ ra lệnh ân xá cho người bị tử hình và bị tù chung thân và đó là bản án của tòa án tối cao; quy định về vấn đề này không thấy trong luật hình sự, mà được thực hiện theo án lệ.
Phương Thảo
(Theo tài liệu tham khảo trong hồ sơ dự án Luật đặc xá (sửa đổi))
;
.