Phú Thọ: Kết quả 5 năm thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp"
Đồng thời chỉ đạo các tổ chức giám định rà soát và từng bước chuẩn hoá đội ngũ giám định viên tư pháp; thường xuyên cử giám định viên, trợ lý giám định viên tham gia các lớp nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng giám định...
UBND tỉnh đã kiện toàn và thành lập Trung tâm giám định pháp y từ Trung tâm giám định pháp y - y khoa Sở Y tế, Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Phú Thọ từ Bệnh viện tâm thần tỉnh (ngày 26-02-1015, Trung tâm giám định pháp y tâm thần trực thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ chuyển thành Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền núi phía Bắc trực thuộc Bộ Y tế). Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 3 tổ chức giám định tư pháp gồm: Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc thuộc Bộ Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” làm việc với tỉnh Phú Thọ |
UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giám định tư pháp và xác định rõ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác này là nền tảng để hoạt động giám định thực hiện đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã được bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là các thiết bị kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao năng lực giám định, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng. Trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, Ủy ban nhân tỉnh đã bố trí trụ sở làm việc riêng, hàng năm cấp kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó Trung tâm đã được trang bị xe ô tô riêng phục vụ cho công tác giám định.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, phối hợp với Sở Tư pháp cập nhật thông tin có liên quan để công bố danh sách các giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời thông báo danh sách các giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp đến các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 46 Giám định viên gồm: 12 Giám định viên kỹ thuật hình sự; 18 Giám định viên pháp y (trong đó 15 người hoạt động kiêm nhiệm) và 5 Giám định pháp y tâm thần (trong đó 02 người hoạt động kiêm nhiệm). Các lĩnh vực khác đang tiếp tục tiến hành rà soát và kiện toàn giám định viên (Tài chính: 01 giám định viên, Nông - Lâm nghiệp: 06 giám định viên, thông tin truyền thông: 04 giám định viên). So với thời điểm trước năm 2010, đội ngũ giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh hầu hết đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, có khả năng nghiệp vụ giám định đáp ứng yêu cầu thực tế, có sự hiểu biết pháp luật cần thiết cho hoạt động giám định. Bên cạnh đó, có 11 người làm giám định tư pháp theo vụ việc.
Kết quả hoạt động từ 2010 đến nay, các tổ chức giám định đã thực hiện được 9.035 trường hợp. Trong đó lĩnh vực pháp y là 1.819 trường hợp; lĩnh vực pháp y tâm thần là 615 trường hợp; lĩnh vực kỹ thuật hình sự 6.601 trường hợp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn một số khó khăn như: Phần lớn các giám định viên pháp y, pháp y tâm thần hoạt động kiêm nhiệm, thiếu về số lượng và chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định ở các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần tuy đã được quan tâm song còn thiếu, lạc hậu, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chưa quy định rõ ràng cơ chế phối hợp của cơ quan tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân dẫn tới việc đánh giá chất lượng giám định và hoạch định chính sách về giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số Sở, ngành chuyên môn chưa quan tâm đến công tác giám định tư pháp nên chưa lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm người làm giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý. Kinh phí, chế độ chính sách đãi ngộ cho người làm giám định chưa phù hợp nên gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người làm công tác giám định chuyên trách, nhất là giám định pháp y...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp, tăng cường bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp. Thực hiện tốt, kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách, bảo đảm lợi ích và chế độ đãi ngộ đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định tư pháp. Đồng thời, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập trong hoạt động giám định tư pháp và có giải pháp để khắc phục.
Chu Linh
(TTXVN)