Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Thứ Hai, 23/11/2015, 15:40 [GMT+7]
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là các giải pháp trọng tâm nêu ra tại Chỉ thị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Qua đó, tạo bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; ý thức chấp hành pháp luật, tự giác tham gia công tác đấu tranh và tố giác tội phạm của đại bộ phận quần chúng Nhân dân được nâng lên đáng kể, xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm đi vào nền nếp, phong phú, đa dạng về hình thức và phương pháp. Việc triển khai các giải pháp, biện pháp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, không để gia tăng, tỷ lệ điều tra khám phá án tăng, các loại án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận được điều tra, làm rõ và xử lý kịp thời, từ đó tạo niềm tin trong quần chúng Nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.
Điểm cầu Quảng Nam dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống tội phạm |
Đặc biệt, vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các ngành, đoàn thể trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện sự thống nhất trong chỉ đạo tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, phát huy tốt vai trò của từng tổ chức cơ sở Đảng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thay đổi một cách căn bản trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; trong đó, lực lượng Công an chủ động giữ vai trò nòng cốt.
Công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 05 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các mặt công tác, giữ vững tốt tình hình an ninh chính trị; chủ động theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tại các địa bàn, quản lý chặt chẽ số đối tượng chính trị trọng điểm, hoạt động của người nước ngoài, nhất là các đoàn lâm thời trọng điểm, các tổ chức, cá nhân có những hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia. Thực hiện tốt việc triển khai các kế hoạch đấu tranh, điều tra, xác minh làm rõ và vô hiệu hoá hầu hết số đối tượng trên địa bàn tham gia các tổ chức phản động trong và ngoài nước. Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương giải quyết ổn định các trường hợp khiếu kiện, không để diễn biến phức tạp. Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chấn chỉnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Công an tỉnh chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người,... Đồng thời, triển khai tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm vào các thời điểm như Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh; các đợt cao điểm phòng, chống ma túy nhân Tháng hành động phòng, chống tội phạm; cao điểm truy bắt các đối tượng truy nã; cao điểm tấn công tội phạm theo từng chuyên đề...
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng Đề án “Tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự vào ban đêm trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2013-2015. Đồng thời hướng dẫn Công an các địa phương báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về chủ trương của UBND tỉnh và công tác triển khai thực hiện của Giám đốc Công an tỉnh để chỉ đạo các ngành, đoàn thể, lực lượng có liên quan phối hợp với lực lượng Công an tham gia tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch về phòng, chống tội phạm ở một số lĩnh vực dễ phát sinh các loại tội phạm như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, hợp tác lao động... Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được giữ vững, không xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Công an các cấp trong tỉnh đã huy động lực lượng, xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nhằm giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Điều tra khám phá 3.299/4.404 vụ xâm phạm trật tự xã hội (tỷ lệ 75%), làm rõ 4.355 đối tượng, bắt 3.225 đối tượng. Triệt xóa 293 ổ, nhóm với 1.218 đối tượng về các hành vi cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản….
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, phát hiện, bắt giữ 1.401 vụ/ 1.362 đối tượng vi phạm. Thu giữ 1.757 m3 gỗ các loại, 1,804 tỷ đồng, 18 xe ôtô, 5 xe môtô, và nhiều hàng hóa có giá trị khác. Khởi tố điều tra 123 vụ/ 283 bị can. Xử lý hành chính 1.098 đối tượng, phạt 31,4 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 336 vụ/ 497 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 6 kg ma túy đá, 499 viên ma túy tổng hợp, 1,6 kg heroin, 4,6 kg và 425 cây cần sa, 04 khẩu súng các loại và một số tang vật liên quan khác. Thụ lý điều tra 345 vụ/ 501 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 300 vụ /414 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử 289 vụ/ 395 bị can. Đưa 548 đối tượng vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc; xử lý hành chính 1.017 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, phạt 824 triệu đồng.
Trên lĩnh vực đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, từ năm 2011 đến nay, đã phát hiện, điều tra làm rõ 09 vụ mua bán người, giải cứu 15 nạn nhân; khởi tố 09 vụ/ 18 bị can (đã kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 09 vụ/ 12 bị can, truy nã 06 bị can).
Trong 5 năm qua, Cơ quan điều tra các cấp trong Công an tỉnh thụ lý điều tra 6.568 vụ/7.427 bị can. Kết thúc điều tra 6.219 vụ/7.010 bị can (chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 4.921 vụ/6.739 bị can; đình chỉ điều tra 81 vụ/93 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1.077 vụ/163 bị can, nhập án 140 vụ/15 bị can). Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra 4.789 vụ/6.424 bị can. Tòa án nhân dân các cấp tổ chức 468 phiên xét xử lưu động về các vụ án điểm, đặc biệt nghiêm trọng nhằm răn đe, giáo dục chung. Nhìn chung, công tác điều tra, truy tố, xét xử được đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm, hình phạt áp dụng đảm bảo tính nghiêm minh, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy những kết quả đạt được qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, Chương trình hành động về Phòng chống mua bán người,.. Chủ động và thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh tội phạm, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh và các ngày lễ lớn của dân tộc. Triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của các cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các đề án của chương trình, phát huy nội lực, huy động các nguồn lực, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm có nghiệp vụ, có chất lượng.
Duy trì thường xuyên công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm trong Nhân dân. Tăng cường và hiệu lực quản lý Nhà nước của các cơ quan đơn vị, các ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; các Nghị quyết liên tịch, các quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành, đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Gắn việc thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của đơn vị, địa phương, ngành phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” trên địa bàn tỉnh, gắn với việc thực hiện các Đề án, phương án, kế hoạch có liên quan trong đảm bảo an ninh, trật tự.
Bình Minh
;