Quảng Nam: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Thứ Năm, 05/11/2015, 21:01 [GMT+7]
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11-02-2010 về phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 03-8-2010 ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg và Chỉ thị số 1958/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến về chất lượng giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
    Đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành, rà soát thủ tục hành chính, lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
 
Một cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Nam
Một cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Nam
    Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định và kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp. Đối với lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Phòng Kỹ thuật hình sự quy định tại Quyết định số 10957/QĐ-X11 ngày 24-12-2010 của Tổng cục Xây dựng lực lượng – Công an nhân dân, Công an tỉnh đã thành lập Đội Giám định để thực hiện các nhiệm vụ giám định tư pháp kỹ thuật hình sự. Hiện nay Đội giám định đang thực hiện giám định 04 lĩnh vực: đường vân, tài liệu, ký tự đóng chìm trên kim loại, ma túy và đang chuẩn bị triển khai lĩnh vực giám định pháp y tử thi - sinh vật.Các trang thiết bị thiết yếu phục vụ giám định từng bước được bổ sung, thay thế và đổi mới theo hướng hiện đại.
 
    Về đội ngũ người làm giám định tư pháp, tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự có 06 giám định viên tư pháp trên 04 lĩnh vực: đường vân, tài liệu, ma túy và ký tự đóng chìm trên kim loại. Đang xem xét đề nghị bổ nhiệm giám định viên cho 04 đồng chí, trong đó 01 giám định viên tài liệu, 01 giám định viên sinh vật và 02 giám định viên pháp y. Các giám định viên đều có trình độ đại học, có năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tuổi đời từ 28 tuổi trở lên.
 
    Từ năm 2010 đến nay, lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự đã có những giải pháp và hoạt động cụ thể để thực hiện Đề án 258 như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đối với việc thực hiện Đề án 258; làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh trong việc tuyển dụng cán bộ có trình độ, chuyên ngành phù hợp, có kế hoạch và quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác giám định về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Mỗi năm cử ít nhất hai lượt cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Phát huy các nguồn lực tại chỗ hiện có, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất để cho cán bộ làm công tác giám định phát triển. Tranh thủ sự quan tâm của các cấp trong và ngoài ngành mua sắm các trang thiết bị mới, hiện đại; xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giám định kỹ thuật hình sự.
 
    Đối với lĩnh vực pháp y, Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 1485/2006/QĐ-UBND ngày 16-5-2006. Biên chế được giao 15 người, hiện sử dụng 12 người, trong đó có 02 giám định viên chuyên trách, 04 giám định viên kiêm nhiệm (giám định viên không chuyên trách hiện đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh); 02 bác sĩ giám định; 01 cử nhân xét nghiệm và 03 cán bộ trung cấp là người phụ việc giám định. UBND tỉnh đang xem xét bổ nhiệm thêm 03 giám định viên chuyên trách là cán bộ đại học đang công tác tại Trung tâm pháp y tỉnh. Chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp hiện nay tăng so với trước khi thực hiện Đề án về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
 
    Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác giám định pháp y, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trên địa bàn tỉnh, ngành Công an và Y tế đã có cơ chế phối hợp công tác giám định pháp y. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của pháp y công an và pháp y Y tế trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
    Từ năm 2010 đến nay, hoạt động giám định tư pháp về mặt kỹ thuật hình sự và pháp y đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ khi triển khai thực hiện Đề án, công tác giám định được giải quyết nhanh chóng, chính xác và kịp thời, đúng thời hạn giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo các yêu cầu về pháp luật và nghiệp vụ. Tiếp tục khẳng định là một hoạt động bổ trợ tư pháp hiệu quả và là biện pháp nghiệp vụ quan trọng của ngành Công an, thể hiện tốt chức năng xác lập chứng cứ, đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử tội phạm cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khác. Từ năm 2010 đến nay, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh  tiến hành giám định 773 vụ, việc với hơn 14.000 yêu cầu, đối tượng giám định. Cụ thể: Năm 2010 tiến hành giám định 112 vụ với 872 yêu cầu; năm 2011: 101 vụ với 1335 yêu cầu; năm 2012: 121 vụ với 2497 yêu cầu; năm 2013: 137 vụ với 2150 yêu cầu; năm 2014: 142 vụ với 1354 yêu cầu; đến 25-8-2015: 160 vụ với 6235 yêu cầu. Trung tâm giám định pháp y tỉnh đã thực hiện 1194 vụ trong năm 2010; 1123 vụ năm 2011; 1000 vụ năm 2012; 872 vụ năm 2013; 759 vụ năm 2014 và đến 28-8-2015 thực hiện giám định 489 vụ.
 
    Hoạt động trưng cầu, yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự, pháp y chủ yếu được thực hiện thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) các cấp và một số đơn vị địa phương trong ngành Công an. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định là có cơ sở và đúng trình tự thủ tục. Trong 5 năm qua, không có trường hợp nào do đương sự trực tiếp yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp được gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng phục vụ cho việc giải quyết các vụ án theo quy định tại Điều 26 Luật Giám định tư pháp. 
 
    Kết luận giám định là nguồn chứng cứ, cơ sở quan trọng giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vấn đề của vụ án. Tuy nhiên quy định của pháp luật chưa có cơ chế thông tin hai chiều giữa cơ quan trưng cầu và cơ quan giám định nên việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định như thế nào, giá trị ra sao thì cơ quan giám định không biết, chỉ khi nào cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung thì người giám định mới biết kết luận giám định của mình được sử dụng như thế nào, tính chính xác và hiệu quả. Các kết luận giám định đều đảm bảo tính pháp lý, chính xác, khách quan và khoa học, đáp ứng được hầu hết các nội dung của trưng cầu giám định cũng như thời hạn giám định theo quy định của pháp luật. Do đó trong thời gian qua chưa có vụ việc giám định lại cũng như chưa có việc người giám định tham dự, bảo vệ kết luận tại phiên tòa.
 
    Chất lượng các kết luận giám định của các giám định viên tư pháp đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Các đơn vị giám định tư pháp đã  bố trí chuyên viên làm công tác thống kê, lưu trữ, nhận và trả kết quả kịp thời, đúng thời gian quy định.
 
    Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn thiếu cả nhân lực và cơ sở vật chất. Số lượng giám định viên còn quá ít (17 giám định viên); cơ sở vật chất, điều kiện làm việc chưa đảm bảo, nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị hỗ trợ xuống cấp, lỗi thời chưa được thay mới, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại phục vụ các lĩnh vực giám định phi truyền thống chưa được trang bị nên chỉ mới triển khai được 04/10 lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự. Phòng thí nghiệm tổng hợp tuy đã được cải tạo, nâng cấp một bước nhưng vẫn còn chật hẹp, chưa đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe con người và bảo dưỡng thiết bị, trong khi phòng thí nghiệm có nhiều loại hóa chất độc hại, các máy móc phương tiện đắt tiền đòi hỏi điều kiện môi trường làm việc và bảo quản phải đạt chuẩn tối thiểu.
 
    Một số quy định còn bất cập gây khó khăn cho hoạt động giám định ở địa phương, như việc quy định bắt buộc phải giám định hàm lượng đối với chất ma túy; chưa có cơ chế thông tin về việc sử dụng, đánh giá kết luận giám định giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan, người thực hiện giám định; chưa có kinh phí dành riêng cho hoạt động giám định mà còn khoán chung trong án phí của cơ quan điều tra nên việc thiếu kinh phí cho hoạt động điều tra cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp; chưa có khoản kinh phí thường xuyên để đầu tư mua sắm phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giám định cũng như đào tạo, bồi dưỡng giám định viên...
Bình Minh
;
.