Quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An
Thứ Năm, 26/11/2015, 16:26 [GMT+7]
Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, cơ quan tham mưu về công tác nội chính cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có một số biến động về tổ chức và tên gọi phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Dù ở giai đoạn nào, các cán bộ, đảng viên đã và đang tham gia vào sự nghiệp công tác nội chính Đảng tại Nghệ An cũng luôn tự hào về những đóng góp, cống hiến của mình đối với sự nghiệp công tác nội chính Đảng, sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn từ 1976 - 1980
Thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/TW ngày 24 và 25-10-1975 của Bộ Chính trị, hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An và Hà Tĩnh đã họp và ra thông báo đặc biệt về hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, ngày 15-3-1972, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 04-TB/TW, trong đó chỉ rõ “…thành lập Ban Nội chính (bao gồm cả pháp chế, thay cho Ban Pháp chế hiện nay) do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách”, kế thừa nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban Pháp chế Trung ương. Hội nghị Trung ương lần thứ 23 (khóa III) đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương với chức năng tham mưu trên cả lĩnh vực xây dựng pháp luật và bảo vệ pháp luật.
Trong thời gian này, công tác nội chính trên địa bàn Tỉnh Nghệ Tĩnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, nhằm cũng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tập trung khắc phục, giải quyết những hậu quả sau chiến tranh... Từ thực tiễn khách quan đặt ra, việc thành lập cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính lúc bấy giờ là sự cần thiết. Ngày 28-01-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã ban hành Quyết định số 23-QĐNS.TU về việc chỉ định Ban đảng đoàn của Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy là: "Giúp Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng, cũng cố chính quyền và bộ máy Nhà nước, tăng cường pháp chế XHCN; phát huy sức mạnh chuyên chính vô sản; nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN".
Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An năm 2013 |
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về cải tiến chế độ báo cáo của các Ban, các ngành, các cấp ủy Đảng; Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản XHCN trong giai đoạn mới. Phối hợp với Ty Công an tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác công tác bảo vệ trật tự trị an trong tình hình mới; phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hằng năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động xây dựng Kế hoạch, Chương trình, Đề cương về công tác nội chính. Phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu các thế lực thù địch; bắt giữ xử lý được nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp tài sản...
Giai đoạn từ 1980 - 1989
Nhằm tăng cường lãnh đạo chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật và kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến địa phương, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 17-9-1979 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.
Ngày 22-11-1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ban hành Quyết định số 391-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy; là cơ quan giúp Tỉnh ủy về công tác nội chính, bao gồm công tác các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra của tỉnh và công tác nội chính của các cấp trong tỉnh...; "có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy theo dõi công tác giải thích và thi hành pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, trong nhân dân nhằm tăng cường pháp chế XHCN, phát huy quyền làm chủ của tập thể, của nhân dân lao động, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giúp Tỉnh ủy theo dõi kiểm tra các cấp các ngành trước hết là các ngành trong khối nội chính chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính; phát hiện những ưu điểm để phát huy; những lệch lạc, sai trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đề nghị cấp ủy uốn nắn hoặc đề xuất với cấp trên những vấn đề bổ sung về đường lối, chính sách trong công tác nội chính. Theo kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương và của cấp ủy thẩm tra và báo cáo những vụ án quan trọng cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thẩm tra và kiến nghị về việc xét xử những vụ án quan trọng của tỉnh cần xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với những vụ án thuộc quyền tỉnh mà các ngành còn có những quan điểm khác nhau thì Ban Nội chính cùng với các ngành bàn thống nhất ý kiến để giải quyết cho đúng với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu chưa nhất trí thì phải báo cáo xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy và báo cáo lên Ban Nội chính Trung ương...".
Ban đã kịp thời phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về công tác quân sự địa phương, công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; Thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động quần chúng, đồng thời truy quét bọn xâm phạm tài sản XHCN phá rối trật tự an ninh trong cơ quan, ngoài xã hội trên địa bàn Nghệ Tĩnh. Kịp thời tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án điểm liên quan đến kinh tế, tham nhũng, án xâm phạm trật tự trị an…
Tập thể cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An |
Giai đoạn từ 1989 - 2012
Trong giai đoạn này, cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương về công tác nội chính không có quy định thống nhất mà tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương để bố trí phù hợp. Thực hiện tinh giản bộ máy biên chế theo tinh thần Nghị quyết 3, khóa VI của Ban Chấp hành Trung ương, từ thực tiễn khách quan, tháng 10-1988, Ban Nội chính Tỉnh ủy giải thể. Công tác tham mưu về lĩnh nội chính được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Văn phòng Tỉnh ủy phụ trách, chuyển một số cán bộ của Ban Nội chính về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy.
Ngày 12-8-1991, Quốc hội khóa VIII quyết định chia Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quyết định 783-QĐ/TU ngày 02-6-1998 về việc thành lập Phòng nội chính thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, có nhiệm vụ tham mưu về công tác nội chính và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong giai đoạn này, ngày 29-11-2007 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4829/QĐ - UBND.KT về thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) tỉnh Nghệ An. Sau đó, ban hành Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 22-5-2008 về việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh, thay thế Quyết định số 4829/QĐ-UBND.KT ngày 29-11-2007 về thành lập Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh.
Giai đoạn 2013 đến nay
Để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới của đất nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; thực hiện Nghị quyết và Kết luận Hội nghị Trung ương năm khóa XI (Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 15-5-2012 và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012), Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập.
Ngày 13-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 4263-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ngày 08-9-2013, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Phòng Nội chính, tiếp dân - Văn phòng Tỉnh ủy.
Qua hơn 02 năm hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An đã làm tốt công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính và PCTN, hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao; thực hiện cơ bản có hiệu quả 05 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, công tác nghiên cứu, đề xuất được triển khai đồng đều, có hiệu quả rõ nét, góp phần tích cực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác nội chính và PCTN; tích cực phát hiện, tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng, các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Cụ thể hóa, sơ, tổng kết các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng; tham mưu chỉ đạo đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các vấn đề phức tạp về tôn giáo, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn; tham mưu chỉ đạo giải quyết tốt một số đơn thư, khiếu nại tố cáo; theo dõi, giám sát đôn đốc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đối với các cơ quan chức năng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra được chú trọng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phòng ngừa vi phạm và chấn chỉnh công tác nội chính, PCTN đi vào nề nếp. Thực hiện tốt công tác thẩm định các văn bản liên quan đến công tác nội chính và PCTN và bước đầu tham gia về công tác cán bộ (cho ý kiến về việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp) theo quy định.
Nguyễn Hoài An
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An)
;