Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang: Tham mưu kịp thời, hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 30/11/2015, 16:55 [GMT+7]
Từ năm 1983 đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên giang đã qua 03 giai đoạn thành lập, giải thể và tái lập.
Giai đoạn 1983-1988
Thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TW ngày 17- 9-1979 của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 39/HD-NCTW ngày 15-11-1979 của Ban Nội chính Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 84/QĐTU, ngày 03-4-1983 của Tỉnh ủy. Sau đó, lần lượt có 9/11 huyện, thị thành lập Ban Nội chính, việc thành lập Ban Nội chính do cấp ủy cùng cấp quyết định, nơi làm việc tại Văn phòng cấp ủy. Các ngành nội chính cấp tỉnh gồm có 07 đơn vị: Công an, Viện Kiếm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Trọng tài Kinh tế và Hải Quan.
Ban có nhiệm vụ nghiên cứu nắm tinh thần và nội dung các chỉ thị và nghị quyết của Trung ương về công tác nội chính, kết hợp với tình hình địa phương, đề xuất cấp ủy về công tác nội chính ở địa phương, dự thảo hoặc tham gia dự thảo (với các ngành hữu quan) các chỉ thị, kế hoạch về công tác nội chính cho cấp ủy; thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng về nội chính ở các cấp, các ngành, trước hết là các ngành trong khối nội chính, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và theo dõi việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành trong khối nội chính. Phát hiện những sai trái giúp cho các sở, ban, ngành sửa chữa, đồng thời báo cáo, đề xuất cấp ủy chỉ đạo uốn nắn kịp thời; nắm tình hình những tội phạm, tác động giúp cho các ngành trong khối nội chính phối hợp thống nhất trong công tác điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nhanh và đúng với chính sách, pháp luật. Đồng thời phối hợp các ngành trong khối nội chính thẩm tra, đề xuất giúp cấp ủy xử lý các vụ án quan trọng và giải quyết những ý kiến khác nhau giữa các ngành trong khối nội chính; tham gia dự thảo các văn bản có tính pháp luật của địa phương. Dự các cuộc hội nghị của cấp ủy và ủy ban thảo luận về các văn kiện pháp luật hoặc bàn về công tác nội chính; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các hoạt động nội chính của cấp dưới; kiểm tra, theo dõi việc tuyên truyền phổ biến thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết về nội chính của Đảng, của huyện, thị xã và cơ sở; phối hợp với Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra của Đảng, theo dõi nắm tình hình về tư tưởng, tổ chức, cán bộ của các ngành trong khối nội chính các cấp theo quy định và sự phân cấp, quản lý của cấp ủy và của Trung ương, giúp cho cấp ủy xây dựng các ngành nội chính các cấp được trong sạch và vững mạnh; có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn về nghiệp vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác nội chính trong tỉnh; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo định kỳ và bất thường về công tác nội chính cho cấp ủy và Ban Nội chính cấp trên.
Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2015 các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam tại Kiên Giang |
Trong giai đoạn này, Ban Nội chính tỉnh và các huyện, các ngành trong khối nội chính đã có nhiều nỗ lực, phối hợp thực hiện nhiệm vụ đạt được những kết quả đáng kể, cụ thể: Tích cực phối hợp nắm tình hình các đối tượng, địa bàn trọng điểm, đấu tranh ngăn chặn làm hạn chế hoạt động “diễn biến hòa bình”, việc lợi dụng dân tộc, tôn giáo. Ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế sự gia tăng các loại tội phạm hình sự, tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội, giữ vũng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, hải đảo được xây dựng, các lực lương vũ trang tiếp tục được củng cố nâng cao chất lượng; công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng. Tăng cường phối hợp nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh tuyến biên giới, biển đảo.
Tác động giúp cho các ngành trong khối nội chính phối hợp thống nhất trong công tác điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nhanh và đúng với chính sách, pháp luật. Phối hợp thẩm tra, đề xuất cấp ủy xử lý các vụ án quan trọng và giải quyết những ý kiến khác nhau giữa các ngành trong khối nội chính.
Đầu năm 1988, Ban Nội chính Tỉnh ủy giải thể theo Quyết định số 308/QĐ-TU ngày 22-2-1988.
Giai đoạn 1992-2001
Ngày 04-7-1992, thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và do yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Quyết định số 265/QĐ-TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Khi mới thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban thực hiện theo Quyết định số 256/QĐ-TU, ngày 03-6-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể: Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai, quán triệt và uốn nắn việc chấp hành pháp luật của Nhà nước đối với nội bộ Đảng và ngoài xã hội. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa của các cấp chính quyền; cùng với các ngành chức năng theo dõi, kiểm tra việc xử lý tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm tăng cường, ổn định và bảo vệ sự nghiệp đổi mới của Đảng bộ; theo dõi, đề xuất hướng xử lý nhũng vụ án lớn trong tỉnh, nhất là các vụ án về chính trị, kinh tế, hình sự có liên quan đến cán bộ đảng viên; giúp các huyện, thị ủy chỉ đạo công tác nội chính, trực tiếp chỉ đạo về công tác chuyên môn cho bộ phận phụ trách nội chính cấp huyện, thị; đồng thời giúp Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch, kế hoạch đào tạo và bố trí cán bộ các ngành khối nội chính theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đến cuối năm 1993, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 702b/QĐ-TU, ngày 30-12-1993 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các huyện, thị ủy (thay thế Quyết định số 256/QĐ-TU ngày 03-6-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Theo đó, Ban có chức năng tham mưu, giúp việc cho sự lãnh đạo của cấp ủy về những mặt công tác thuộc lĩnh vực nội chính. Giúp cấp ủy kiếm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác nội chính; giúp cấp ủy theo dõi hoạt động của các ban cán sự đảng và các cấp ủy đảng trực thuộc cấp ủy, thuộc ngành nội chính; nghiên cứu đề xuất kế hoạch tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tham gia chuẩn bị các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp mình về công tác nội chính; giúp cấp ủy lãnh đạo vận dụng đường lối xử lý đối với những vụ án quan trọng; Ban Nội chính phối hợp Ban Tổ chức cấp ủy, nắm cán bộ trong các ngành nội chính thuộc diện cấp ủy mình quản lý.
Đến tháng 5-1995, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 2266/QĐ-TU, ngày 22-5-1995 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lề lối và mối quan hệ làm việc của Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể (thay thế Quyết định số 702b/QĐ-TU, ngày 30-12-1993 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo về công tác nội chính có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất Tỉnh ủy tổ chức triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và tham gia chuẩn bị nghị quyết, chỉ thị, thông tri của Tỉnh ủy về công tác nội chính; giúp Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính; theo dõi giúp Tỉnh ủy lãnh đạo hoạt động của đảng ủy, ban cán sự đảng các ngành nội chính; giúp Tỉnh ủy vận dụng đúng quan điểm, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước lãnh đạo đường lối xử lý đối với những vụ án hình sự quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và những vụ khiếu nại, tố cáo có tình tiết phức tạp; phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy nắm tình hình giúp Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ của các ngành nội chính; thực hiện những công việc khác thuộc lĩnh vực Nội chính do Ban Thường vụ hoặc Thường trực Tỉnh ủy giao.
Qua 10 năm hoạt động, mặc dù tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ có thay đổi theo từng giai đoạn nhưng cán bộ, nhân viên của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các huyện, thị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao vai trò tham mưu giúp cấp ủy về lĩnh vực nội chính. Chủ động cùng các ngành nội chính nắm tình hình, bàn biện pháp giải quyết và tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề kịp thời, sát, đúng, có hiệu quả. Đã tham mưu Tỉnh ủy cụ thể hóa, sơ, tổng kết, tổ chức triển khai thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh và thực hiện nhiều công việc có hiệu quả.
Ngày 03-5-2001, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 162/QĐ-TU về việc giải thể tổ chức Ban Nội chính Tỉnh ủy, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy sang Văn phòng Tỉnh ủy.
Giai đoạn từ 2013 đến nay
Ngày 06-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Quyết định số 897-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Với chức năng và nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu, đề xuất; hướng dẫn, kiểm tra; thẩm định; tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định; tham gia một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao.
Sau hơn 02 năm hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp, tham mưu, đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sơ, tổng kết; ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, kết luận... của Trung ương; ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; thực hiện các cuộc kiểm tra như: việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; tự kiểm tra về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; kiểm tra, rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi vị trí cán bộ, công chức, viên chức...
Chủ động phối hợp với Ban Nội chính Trung ương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho cán bộ làm công tác nội chính ở cấp tỉnh và huyện; công tác phòng, chống tham nhũng cho cán bộ ngành ngân hàng; tham mưu xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất, phục vụ các đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Bên cạnh đó, là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn. Tham gia Tổ chỉ đạo giải quyết khiếu kiện đông người của Tỉnh uỷ; Tổ tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tổ công tác Thường trực giải quyết khiếu kiện đông người của UBND tỉnh…
Phúc An
;