Thái Bình: Kết quả công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 - 2015
Thứ Bảy, 19/09/2015, 13:05 [GMT+7]
05 năm qua, công tác cải cách tư pháp của tỉnh Thái Bình đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp cho những năm tiếp theo.
Các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Chương trình trọng tâm cải cách tư pháp hằng năm; Kế hoạch số 38-KH/BCĐ, ngày 15-8-2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và văn bản của các bộ, ngành Trung ương về cải cách tư pháp. Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực nội chính nhằm thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh uỷ duy trì chế độ giao ban định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm; kịp thời nghe và cho ý kiến về đường lối giải quyết những vụ, việc theo quy định tại Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) “về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật trong giải quyết các vụ, việc; gắn việc kiểm tra, triển khai nhiệm vụ công tác hằng năm với việc kiểm tra triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Thái Bình tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW |
Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh, Đảng uỷ Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Quy chế phối hợp, gắn việc triển khai nhiệm vụ công tác hằng năm với việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp; phối hợp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc giải quyết các vụ án và xác định vụ án trọng điểm. Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Các ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký kết nhiều quy chế và chương trình phối hợp để xử lý, giải quyết những lĩnh vực có nhiều vướng mắc.
Ngành Công an đã thụ lý, khởi tố điều tra 4.081 vụ, 6.690 bị can. Kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3.906 vụ, 6.608 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc phối hợp với điều tra viên, thực hiện kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố 100% các vụ án, nâng cao số lượng và chất lượng yêu cầu điều tra. Đã truy tố 3.906 vụ, 6.608 bị can. Tiến độ giải quyết án và chất lượng giải quyết án được nâng lên (năm 2010 là 96,6%, năm 2014 là 99,8%) không có trường hợp nào đình chỉ do bị can không phạm tội, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung được hạn chế, giảm xuống dưới 2%. Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát theo thủ tục xét xử sơ thẩm 3.839 vụ/6539 bị cáo. Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Toà án để phát hiện vi phạm, tăng cường công tác kháng nghị. Đã ban hành 107 kháng nghị phúc thẩm, 3 kháng nghị giám đốc thẩm, 58 kiến nghị.
Toà án 2 cấp đã giải quyết, xét xử 13.575/14.003 vụ, việc, đạt 96,9%. Việc tranh tụng tại phiên toà được đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp, quyền tham gia tranh tụng công khai của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ngành thi hành án dân sự đã giải quyết xong 18.312 việc/20.342 việc có điều kiện giải quyết, đạt 90,02%; đã giải quyết 405,8 tỷ đồng/650,8 tỷ đồng, đạt 62,35%.
Các cơ quan tư pháp của tỉnh đã đề nghị và được Hội đồng Xét giảm án của tỉnh ra quyết định xét miễn giảm hình phạt tù cho 236 đối tượng; trong đó, có 62 đối tượng được giảm hết thời hạn tù còn lại, 174 đối tượng giảm một phần hình phạt tù. Tất cả các trường hợp hoãn và tạm đình chỉ thi hành án cơ bản đều đảm bảo về thủ tục, đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, ân xá, chấp hành xong án tù ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Sở Tư pháp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn Thái Bình giai đoạn 2011 - 2020". Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh có 71 luật sư chính thức và 22 luật sư tập sự ở 11 Văn phòng Luật sư, 01 Công ty Luật. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 1.854 việc; trong đó, tham gia tố tụng 1.260 việc, tư vấn 594 việc.
Đảng uỷ, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ngành trong khối nội chính thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; kịp thời rà soát, đánh giá và quy hoạch cán bộ theo đúng quy định hiện hành; thực hiện tốt việc chọn, cử cán bộ thuộc diện quy hoạch đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ và luân chuyển, bổ nhiệm, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, huyện.
Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tiến hành chất vấn tại kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân; tổ chức giám sát nhiều chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp và thẩm định các báo cáo trước khi trình Hội đồng nhân dân.
Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện và phương tiện, thiết bị phục vụ cho các cơ quan tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp của tỉnh Thái Bình còn một số hạn chế: Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn xảy ra các trường hợp Cơ quan điều tra chưa kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát từ khi thụ lý tin báo; tiến độ giải quyết một số tin báo và điều tra, xử lý một số vụ còn chậm. Công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và thống nhất cao. Chất lượng các khâu điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án chưa tốt, còn hồ sơ phải trả lại để điều tra bổ sung. Vai trò của hội thẩm nhân dân, luật sư trong việc tham gia công tác xét xử, tranh tụng tại phiên toà còn hạn chế. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc, có nơi chưa kiên quyết; chất lượng tham gia một số phiên toà dân sự của kiểm sát viên còn hạn chế. Công tác thi hành án hình sự, dân sự có mặt còn hạn chế; số bị án hoãn thi hành còn nhiều. Số vụ việc thi hành án dân sự không có khả năng thi hành hoặc khó thi hành còn ở mức cao, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp gây bức xúc trong dư luận. Công tác giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc, bất cập nhưng chậm được khắc phục...
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương của bộ, ngành Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cải cách tư pháp, gắn cải cách tư pháp với cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với cơ quan tư pháp. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp. Tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án điểm, nhất là các vụ án tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, từng bước thực hiện tin học hoá trong hoạt động tư pháp và thực hiện tốt việc xã hội hoá một số hoạt động tư pháp.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình)
;