Phú Yên: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị và bài học kinh nghiệm

Chủ Nhật, 06/09/2015, 14:31 [GMT+7]

Sau khi Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết và chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các cơ quan tư pháp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết vào kế hoạch, chương trình công tác hằng năm để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Cấp ủy các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị (với 100% cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên được tham gia học tập, quán triệt). Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, đã kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, rút ra những bài học kinh nghiệm, đảm bảo quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao.

Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các kỳ họp HĐND đảm bảo theo đúng các quy định; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng Nghị quyết của HĐND vừa đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện khá tốt nhiệm vụ soạn thảo, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình HĐND. Từ năm 2005 đến tháng 7-2015, HĐND tỉnh đã tổ chức 32 kỳ họp, ban hành 178 nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh chứa quy phạm pháp luật. Các nghị quyết của HĐND tỉnh đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; chất lượng ngày càng được nâng lên, có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, bước đầu đáp ứng các tiêu chí về quản lý Nhà nước, đảm bảo được sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa thể chế về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, bảo vệ quyền con người, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển.

Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015
Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 833 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 251 văn bản; HĐND, UBND cấp huyện ban hành 171 văn bản; HĐND, UBND cấp xã ban hành 411 văn bản. Sở Tư pháp đã giúp Chủ tịch UBND tỉnh tự kiểm tra, phát hiện đề nghị xử lý 18 văn bản do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành và 03 văn bản do cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh ban hành không phù hợp, trái pháp luật, trái thẩm quyền. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, Sở Tư pháp đã lập kế hoạch tổ chức kiểm tra văn bản do HĐND, UBND ban hành từ năm 2007 đến thời điểm kiểm tra trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố và phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện trực tiếp tổ chức kiểm tra điểm ở 22 xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra 158.835 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, đã phát hiện 84 văn bản được ban hành không đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và các văn bản khác có liên quan. Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan, tổ chức khác và nhân dân địa phương tham gia giám sát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái pháp luật.

Các văn bản pháp luật được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là sau khi có Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật. Công tác áp dụng pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị được triển khai kịp thời, đúng quy định, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi sai trái, áp dụng pháp luật không đúng của người thực hiện công vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tiến hành thường xuyên, rộng khắp và cho mọi đối tượng với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, đã tạo được sự chuyển biến cơ bản về nhận thức trong toàn xã hội, góp phần nâng cao trình độ pháp lý của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.  

Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cấp huyện, cấp xã ngày càng được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp qua đào tạo về chuyên ngành Luật ngày càng tăng, các Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện đã bố trí từ 04 đến 05 công chức để đảm nhiệm công tác quản lý tư pháp ở địa phương trong đó có công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ở cấp xã đã bố trí từ 01 đến 02 công chức làm công tác tư pháp-hộ tịch cấp xã. Tuy nhiên, các Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện công tác văn bản chủ yếu kiêm nhiệm, ở cấp xã, công chức tư pháp phải đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau, công việc sự vụ nên công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cũng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Từ năm 2005 - 2015, Trung tâm đào tạo từ xa tỉnh liên kết, phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo 937 cử nhân luật, qua đó góp phần chuẩn hóa trình độ cho cán bộ tư pháp xã cũng như đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật cấp tỉnh và huyện. Bên cạnh việc mở các lớp đại học luật, việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp luật các cấp cũng được chú trọng. Qua các lớp tập huấn đã cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho các đối tượng và giúp các cơ quan ban, ngành, cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Hiện nay, ở cấp tỉnh có 60 cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và đảm nhiệm phụ trách pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Các ngành Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thi hành án trong tỉnh đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo theo quy định. Định kỳ hằng năm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó quan tâm đến việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị, cơ quan. Công tác quản lý, giáo dục nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực được chú trọng thực hiện thường xuyên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng; chất lượng của một số cán bộ có mặt còn hạn chế, chưa đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương...

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ban hành, kiểm tra, giám sát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, cũng như việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm pháp luật do không hiểu biết về pháp luật, từng bước phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Từ thực tiễn triển khai thực hiện, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục, song những kết quả đạt được là rất cơ bản và quan trọng. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh Phú Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Hai là, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một quá trình lâu dài, phức tạp, liên quan đến các vấn đề về chính sách, pháp luật, con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, cần phải lựa chọn những lĩnh vực, những vấn đề bức xúc, then chốt, cần thiết và có lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên giải quyết. Quá trình triển khai thực hiện cần có sự chỉ đạo nhất quán, kiên quyết, cần bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và cần huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật đảm bảo trong sạch, vững mạnh, có đạo đức, phẩm chất tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Thường xuyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở và đội ngũ ban chủ nhiệm các câu lạc bộ pháp luật nhằm từng bước nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ này trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bốn là, để công tác xây dựng và áp dụng pháp luật mang lại hiệu quả cao thì việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật của Trung ương; kịp thời phát hiện, xử lý những quy định trái với các quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên; việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức áp dụng pháp luật không đúng sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật được ban hành, nâng cao chất lượng việc thực thi các quy định, đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lê Ngọc Hơn

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)

;
.