Nói KHÔNG với phong bì trong dịch vụ y tế: Hành động để thay đổi

Thứ Ba, 01/09/2015, 15:24 [GMT+7]
    Với mục tiêu tạo dựng môi trường xã hội không dung dưỡng chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế (phong bì, quà biếu, tiền bồi dưỡng..), góp phần phòng, chống tham nhũng trong y tế, Đề án Nói KHÔNG với phong bì trong dịch vụ y tế của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã đoạt giải Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011. 
 
    Đây là điển hình về một dự án phòng, chống tham nhũng - nhũng nhiễu thành công về mặt thay đổi nhận thức của cộng đồng, truyền lửa và niềm tin cho cộng đồng về HÀNH ĐỘNG ĐỂ THAY ĐỔI. Được đánh giá là một dự án có tác động khá lớn, tính bền vững khá và tính sáng tạo cao, Nói KHÔNG với phong bì trong dịch vụ y tế là một trong 10 mô hình được lựa chọn để nhân rộng trong Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2015.
 
    Theo các tác giả đề án, tham nhũng trong ngành y tế là phổ biến trên thế giới, là yếu tố gây nghèo hóa (Vian và Keller 2010, Phòng, chống tham nhũng trong y tế: Các chiến lược hạn chế chi phí không chính thức) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc y tế. 
 
Lễ phát động Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2015
Lễ phát động Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2015
    Tháng 11-2009, Chính phủ phối hợp với các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trong nước đã tổ chức đối thoại lần thứ 6 về chủ đề phòng, chống tham nhũng trong ngành y tế. Hội thảo khuyến cáo, cần có thêm các nghiên cứu làm cơ sở cho việc giải quyết cơ bản vấn đề tham nhũng trong ngành y tế của Việt Nam, thể hiện ở bốn phạm vi: (1) chi phí không chính thức của người dân trong sử dụng dịch vụ y tế; (2) kém minh bạch trong quản lý ; (3) mâu thuẫn lợi ích, và (4) vi phạm y đức.
 
    Vấn đề chi phí không chính thức (được định nghĩa là những khoản chi ngoài quy định của nhà nước trong sử dụng dịch vụ y tế công của người dân) là một vấn đề hay được người dân đưa ra làm minh chứng cho biểu hiện của tham nhũng. 
 
    Theo một nghiên cứu được triển khai năm 2010-2011 của RTCCD về nhận biết căn nguyên, vai trò và ảnh hưởng của các khoản chi phí không chính thức (phong bì) trong y tế cho thấy phong bì xảy ra phổ biến khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập, càng lên cao thì càng phổ biến và mức độ đưa biếu nhiều hơn. So với 2 lĩnh vực tham nhũng trong quản lý nhà nước trong y tế và tham nhũng trong bảo hiểm y tế, phong bì (tham nhũng trong cung cấp dịch vụ y tế) không nghiêm trọng về mức độ tổn thất về tiền cho nhà nước, nhưng gây nên bất bình trong toàn xã hội. Qua ý kiến những đại diện tổ chức và cá nhân được phỏng vấn (gồm các nhà hoạch định chính sách, quản lý y tế, đại diện báo chí, nhân viên y tế và bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ), phong bì không những không làm tăng chất lượng điều trị như người dân mong muốn, mà còn làm xấu đi hình ảnh của người thầy thuốc. Niềm tin vào ngành y của người dân ngày càng giảm sút, người bệnh dùng phong bì để cạnh tranh lẫn nhau và người nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, cả người dân và nhân viên y tế còn thiếu niềm tin vào khả năng giải quyết dứt điểm nạn phong bì và trông chờ sự can thiệp của nhà nước, thay vì tập trung vào sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của chính họ.
 
    Giải quyết vấn đề này không thể thụ động trông chờ vào hành động của ngành y tế, do đó, đẩy mạnh tính chủ dộng của người dân "nói không với việc đưa phong bì" - thông qua cung cấp cho họ kiến thức, trải nghiệm, và chỗ dựa tư vấn khi gặp khó khăn đến từ các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông đại chúng - sẽ mang lại động thái tích cực hơn cho phong trào phòng, chống tham nhũng, mà ở đây cụ thể là hạn chế chi phí không chính thức, trong sử dụng và cung cấp dịch vụ y tế. 
 
    Sáng kiến này hướng tới giúp người dân có kiến thức, kỹ năng cụ thể để tự nói KHÔNG với phong bì khi sử dụng dịch vụ y tế công, lên án những hành vi nhũng nhiễu, cùng đồng lòng gây dựng lại một nền y tế minh bạch và chất lượng. Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Tăng cường kiến thức cho người dân về các chế độ chính sách liên quan đến cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế công, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên (nhân viên y tế, bảo hiểm, bệnh nhân), quyền bệnh nhân, và các tác động thực tế của phong bì với chất lượng dịch vụ y tế. Khuyến khích người dân chuyển tải thành hành động KHÔNG sử dụng phong bì, quà biếu, tiền bồi dưỡng khi khám chữa bệnh.
 
    Đề án được thiết kế dựa trên cơ sở "lý thuyết chuyển đổi hành vi". Trong đó, dự án sẽ có can thiệp để thay đổi nhận thức về vấn đề phong bì thông qua sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng (TV, đài) kết hợp các buổi truyền thông/ thảo luận nhóm phụ nữ tại cấp thôn/xã. Ngoài ra, các hành vi tốt được củng cố và phổ biến thông qua bài viết đăng tải trên phương tiện truyền thông (báo, đài, tivi) giúp tạo niềm tin cho cộng đồng. Đề án cũng sử dụng sức mạnh từ độ bao phủ và khả năng gây ảnh hưởng của Hội Phụ nữ để tiếp cận đến người dân trên toàn quốc.
 
    Các hoạt động của Đề án gồm: Phối hợp với các kênh truyền hình khác nhau tổ chức 02 buổi tọa đàm và 05 phóng sự về chủ đề phong bì trong y tế. Cụ thể: 02 toạ đàm (01 buổi về phong bì trong dịch vụ y tế và 01 buổi về cơ sở y tế không phong bì). Thông điệp chính chuyển tải qua các tọa đàm: “phong bì không làm thay đổi quy trình điều trị”,”bệnh nhân không nên dùng phong bì, quà biếu, tiền bồi dưỡng để cạnh tranh lẫn nhau”,”không nên sử dụng bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương cho các bệnh đơn giản có thể điều trị tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã”. 05 phóng sự về việc bác sỹ, điều dưỡng hoặc hộ lý nhận phong bì hoặc nhũng nhiễu vòi tiền bệnh nhân. Xây dựng 01 đĩa DVD,  mô phỏng theo phong cách của kênh truyền hình Discovery (Khám phá & Khoa học thường thức) với thông điệp ngắn gọn, sử dụng hình ảnh minh họa hành vi, sử dụng bảng biểu con số để gây ấn tượng, hướng dẫn hành động theo tình huống và từng bước. Đĩa DVD được phát đến Hội phụ nữ xã để dùng làm tài liệu tập huấn/thảo luận với người dân. In sang đĩa DVD và phát triển hướng dẫn sử dụng khoảng 700 đĩa. Phối hợp với Trung ương Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam phát đĩa DVD đến 63 tỉnh thành, trung bình mỗi tỉnh 10 đĩa. 
 
    Theo đánh giá của Ban Giám khảo VACI, dự án có hiệu quả khá, đã ghi nhận được một số phản hồi của người dân và các cơ quan sau khi được tiếp cận với những hoạt động sản phẩm của dự án. Người dân đã chú ý và tham gia phong trào thảo luận, trao đổi về các vấn đề xưa nay được coi là “cấm kị”, nhạy cảm. Các cán bộ y tế cũng có tâm lý e dè hơn, trong khi một số bệnh viện lớn đã đưa ra một số quy định xử phạt đối với các hành vi nhận phong bì. Ngoài ra, một số đơn vị y tế cơ sở còn bày tỏ mong muốn được đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ, tư vấn để họ tự chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện danh tiếng của cơ sở y tế do mình quản lý. Tuy nhiên, do chưa thực hiện được hoạt động tiếp nối sau các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến các địa phương nên dự án chưa ghi chép được những bằng chứng, câu chuyện cụ thể liên quan đến mức độ nâng cao nhận thức của người dân cũng như thay đổi về hành vi (ví dụ giảm hiện tượng sử dụng phong bì…). 
 
    Ngoài việc hoàn thành tất cả các hoạt động như đã thiết kế, dự án còn thực hiện thêm một số phóng sự và tọa đàm về chủ đề Phong bì trong Y tế (nhân sự kiện Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 3-2012 và sự kiện Công đoàn Bộ Y tế phát động phong trào thực hiện quy tắc ứng xử trong nội bộ ngành nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân về những vấn đề nổi bật của ngành y).
Nội dung tuyên truyền của dự án rất phù hợp với mối quan tâm chung của người dân, cũng như chính sách, chiến lược của ngành y tế. Cách làm của dự án (thông qua tọa đàm, phóng sự trên truyền hình, báo chí, mạng, phát đĩa CD…) cũng phù hợp với điều kiện tiếp cận của nhiều tầng lớp nhân dân.
 
    Dự án đem lại tác động khá lớn cho các đối tượng và các đơn vị, cá nhân liên quan. Dự án đã tạo được phong trào và thu hút mối quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân và các ban ngành đoàn thể trong việc thảo luận về vấn đề nhạy cảm.
 
    Dự án có tính bền vững khá. Tuy chưa có thông tin cụ thể về sự cam kết tái sử dụng các sản phẩm truyền thông của dự án từ các đơn vị liên quan nhưng các sản phẩm này có khả năng vẫn tiếp tục được các cơ quan báo chí phát lại, được người xem truy cập và tìm kiếm.
 
    Ý tưởng và cách triển khai của dự án được đánh giá là mới mẻ, nhiều sáng tạo với yếu tố nòng cốt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề sử dụng phong bì trong các dịch vụ y tế. Ngoài ra, trong suốt quá trình thực hiện, dự án cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kết hợp những phương pháp triển khai đa dạng, nhất là phương pháp tiếp cận và phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để thực hiện được tốt nhất những hoạt động đã được thiết kế.
 
    Trả lời phỏng vấn báo chí tại Lễ phát động Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam 2015, đồng chí Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh việc triển khai dự án trên có thay đổi tích cực vĩ mô ở toàn ngành y tế. "Chúng ta nhìn thấy những mặt đạt được thì phải ghi nhận. Việc nhận phong bì trong ngành y tế đã hết chưa? Chưa hết nhưng cũng đã có những chuyển biến tích cực, cần được nhân rộng”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đề án này đã được báo cáo tư vấn độc lập, các đánh giá hết sức khách quan, có căn cứ và cơ sở. 
 
    Khi đưa đề án dự thi VACI 2011, RTCCD đã bày tỏ sự tin tưởng rằng nếu đề án này thành công, các tổ chức khác sẽ tiếp bước để phòng, chống tham nhũng trong y tế, giáo dục, đất đai và thủ tục hành chính.
Trung Kiên
;
.