Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng, chống tham nhũng ở giảng đường Đại học
Thứ Tư, 19/08/2015, 15:07 [GMT+7]
(BNCTW) - Tháng 8-2011, đề án của một nhóm sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tên gọi “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò: minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng, chống tham nhũng ở giảng đường Đại học” đã thắng giải VACI 2011. Tháng 2-2013, giai đoạn 2 của đề án tham dự VACI 2013 và lại thắng giải. Đây cũng là 1 trong 10 sáng kiến được Thanh tra Chính phủ chọn nhân rộng trong năm 2015.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí và truyền thông, việc triển khai sáng kiến phòng, chống tham nhũng ở Học viện sẽ góp phần giải quyết những khó khăn của nhà trường trong việc xây dựng môi trường giáo dục minh bạch, để giảng đường đại học thực sự là giảng đường tươi đẹp. Sẽ ra sao nếu các nhà báo, nhà lý luận, nhà truyền thông, nhà ngoại giao tương lai “ngại, né tránh” khi nhắc tới tham nhũng, tiêu cực?
Mục tiêu của đề án giai đoạn 2 là thay đổi nhận thức và hành động góp phần hiện thực hóa một môi trường giáo dục trong sáng, minh bạch, xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường Đại học.
Nhóm tác giả đoạt giải |
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: xây dựng một diễn đàn, trang thông tin điện tử để mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện về tình thầy trò, những kinh nghiệm trong việc tạo dựng mối quan hệ thầy trò trong sáng, lành mạnh. Góp phần chống tham nhũng trong giảng đường đại học. Hiện thực hóa bộ quy tắc về mối quan hệ thầy trò trong môi trường đại học, để lấy đó làm tiêu chuẩn cho việc xây dựng giảng đường tươi đẹp. Tạo sự quan tâm của cộng đồng nói chung và giảng viên, sinh viên nói riêng về việc xây dựng mối quan hệ thày trò tốt đẹp. Từ đó cung cấp cho họ những thông tin về hậu quả của vấn nạn tham nhũng, kêu gọi mọi người cùng hành động vì chính tương lai của giới trẻ, của xã hội.
Đề án “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò: minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường Đại học”, khi thực hiện đã đưa ra được “Bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa thầy và trò trong giảng đường đại học”, bước đầu tạo nên sự thay đổi nhận thức trong sinh viên, nhất là với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền – những người đã tham gia góp ý, thảo luận và chứng kiến sự ra đời của bộ quy tắc. Giai đoạn 2 của Đề án hướng tới hiện thực hóa bộ quy tắc này, cũng như phát triển, nhân rộng ý nghĩa của bộ quy tắc. Cách thức truyền thông được lựa chọn là qua móc card, đây là một sản phẩm truyền thông đơn giản, tiện dụng mà sinh viên luôn có thể mang theo bên mình. Nội dung 6 điều trong bộ quy tắc được rút gọn để người đọc cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ và in lên card kèm theo hình ảnh trang trí hấp dẫn. Chiếc móc card không chỉ trở thành một phụ kiện còn mang theo thông điệp ý nghĩa tác động trực tiếp tới nhận thức của các bạn sinh viên. Từ đó, Bộ quy tắc trở nên gần gũi, quen thuộc hơn, dần dần góp phần điều chỉnh thái độ, hành vi của họ nhằm đạt được mục tiêu cao nhất: Sinh viên nói không với tham nhũng.
Ban giám khảo VACI 2013 đánh giá, Dự án đã đạt được hiệu quả ở mức cao, đạt được các mục tiêu đề ra. Cả nhận thức và hành vi của các đối tượng mục tiêu của dự án đã được thay đổi một cách tích cực. Nhiều câu chuyện về những thay đổi tích cực dự án đã đem lại cho giáo viên và sinh viên cũng đã được chia sẻ và ghi nhận, không chỉ là những thay đổi về mặt tư duy, nhận thức mà còn thay đổi về cách ứng xử và phương pháp học tập-giảng dạy về nội dung phòng, chống tham nhũng. Dự án được triển khai với hiệu suất tốt; hoàn thành được tất cả các hoạt động như: tổ chức 6 buổi talkshow, chia sẻ được một số sản phẩm truyền thông (áo, huy hiệu), duy trì phát triển trang web, fanpage, tổ chức thi “Ấn tượng thầy trò”, thu được 12 số Radio cụ thể hóa nội dung của Bộ quy tắc …với lượt sinh viên tham gia đông đảo, vượt mục tiêu ở một số chỉ tiêu như lượt truy cập website, chia sẻ link, số người tham dự các talkshow…
Dự án đã có nhiều sáng tạo trong các hoạt động của mình, thông qua đó, các đối tượng sinh viên và giáo viên tiếp cận với vấn đề và tham gia hưởng ứng các hoạt động một cách thoải mái và cởi mở hơn.
Tính sáng tạo của dự án được thể hiện qua rất nhiều khía cạnh. Hình thức và nội dung của website, fanpage rất đa dạng và phù hợp với tâm lý của giới trẻ. Các hoạt động khác như thi viết, radio…với chủ đề phong phú cũng thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều bạn trẻ.
Cách tiếp cận của dự án phù hợp với vấn đề dự án đặt ra, đối tượng dự án hướng tới và cách triển khai các hoạt động của dự án đều phù hợp với bối cảnh và tạo sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau.
Dự án đã mở rộng phạm vi hoạt động ra một số trường khác như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Các số Radio của dự án đã được phát trong chương trình phát thanh của kí túc xá Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, Đại học Kinh tế quốc dân, thu hút tới hàng trăm nghìn lượt nghe.
Dự án đã mang lại tác động lớn khi thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên, giáo viên không những của chính Học viện mà còn của nhiều đối tượng sinh viên, giáo viên khác, cũng như sự quan tâm, theo dõi và đưa tin của các cơ quan báo chí.
Khả năng dự án duy trì được các hoạt động của mình là rất lớn do nhận được sự quan tâm của sinh viên, giáo viên và nhất là lãnh đạo trường.
Tháng 7-2015, Thanh tra Chính phủ đã đưa “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng, chống tham nhũng ở giảng đường Đại học - giai đoạn 2” vào danh sách 10 sáng kiến phòng, chống tham nhũng nên được phổ biến, nhân rộng.
Thu Thắm
;