Kon Tum: Kết quả và một số kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Tư, 26/08/2015, 16:48 [GMT+7]

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã kịp thời lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh việc quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết, đạt kết quả trên nhiều mặt.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và thi hành pháp luật các cấp từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố kiện toàn. Sở Tư pháp được phân bổ 63 biên chế; các phòng tư pháp như: thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Kon Prẫy, Kon Plông… bố trí 05 đến 06 biên chế; nhiều xã, phường, thị trấn bố trí 02 biên chế cán bộ Tư pháp - Hộ tịch. Tỉnh đã ban hành đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức pháp chế; theo đó, đến nay toàn tỉnh đã có 11 đơn vị cấp sở, ngành thành lập phòng pháp chế theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản quy phạm pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Một Hội nghị của Tỉnh ủy Kon Tum (Ảnh: dangcongsan.vn)
Một Hội nghị của Tỉnh ủy Kon Tum (Ảnh: dangcongsan.vn)

Căn cứ nội dung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, một số Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản Quy phạm pháp luật phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định theo thẩm quyền, quy định mức chi bảo đảm cho công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Trong 10 năm qua, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ban hành 8.402 văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bảo đảm trình tự, thủ tục từ khâu soạn thảo, thẩm định, thông qua, ban hành, đăng công báo, niêm yết…; thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao. Nhờ vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, củng cố chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ổn định và ngày càng phát triển.

Cùng với việc ban hành, công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản Quy phạm pháp luật được triển khai thường xuyên, liên tục với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành tự kiểm tra và kiểm tra 208.417 văn bản (bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác); thông qua công tác tự kiểm tra và kiểm tra đã pháp hiện 236 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật, 571 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa đựng quy phạm pháp luật. Hoạt động tự kiểm tra và kiểm tra văn bản đã phát huy tác dụng thiết thực, góp phần thiết lập kỷ luật, kỷ cương, phát hiện sớm, khắc phục kịp thời các sai sót, chồng chéo, mâu thuẫn trong nội dung văn bản và cả quá trình liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động Giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thành viên của Mặt trận tiến hành thường xuyên, ngay từ khâu soạn thảo, thẩm tra, ban hành và suốt cả quá trình tổ chức thi hành văn bản. Thông qua các hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể kịp thời phát hiện khó khăn, bất cập từ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan Tư pháp tiến hành công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh ban hành theo đúng quy định tại Nghị định số 16/2003/NĐ-CP ngày 06-02-2013 của Chính phủ; kịp thời công bố văn bản còn hiệu lực, văn bản hoặc một phần văn bản hết hiệu lực; tập hợp sắp xếp theo từng chuyên đề, lĩnh vực... Trên cơ sở đó in ấn, phát hành tập văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật được chú trọng triển khai thường xuyên thông qua nhiều hoạt động: phổ biến tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân; theo dõi việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm tra công tác thi hành pháp luật, nhất là hoạt động áp dụng pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính. Nhờ vậy, các văn bản pháp luật do Trung ương cũng như địa phương ban hành đều được tổ chức thi hành nghiêm túc; việc áp dụng pháp luật bảo đảm bảo đảm chính xác cả về nội dung và hình thức trong xử lý các hành vi sai phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.

Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục, song những kết quả đạt được là cơ bản và quan trọng. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh Kon Tum rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị phải gắn liền với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Thực hiện chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, thu hút sự quan tâm vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân.

Phải đầu tư đúng mức nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Quan tâm kiện toàn cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế tại các ngành, địa phương, để cơ quan này thực hiện tốt vai trò tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác văn bản Quy phạm pháp luật. Phải xác định đầu tư cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là đầu tư cho chiều sâu, cho sự ổn định và phát triển.

Phát huy dân chủ trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng và cầu thị tiếp thu các ý kiến phản biện của Mặt trận, các đoàn thể quần chúng, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, bảo đảm cho văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương trong công tác văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời biểu dương, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm, có sai phạm trong công tác ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức thi hành tốt các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong các quy định của văn bản; sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, khả thi của văn bản.

Thái Văn Ngọc

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)

;
.