Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014

Thứ Ba, 03/02/2015, 10:19 [GMT+7]
Năm 2014, với sự nỗ lực của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó có Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan quan ngang Bộ, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác tiền kiểm với công tác hậu kiểm. 
Chất lượng văn bản được nâng lên, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, trong đó một số văn bản đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Số lượng văn bản “nợ đọng” đã giảm đáng kể, được Quốc hội ghi nhận tại các Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, nhất là đến cuối năm 2014 số văn bản nợ đọng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (18 văn bản). Việc thực hiện kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ quan tâm thực hiện. 
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII
Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 206 văn bản quy định chi tiết (87 nghị định, quyết định và 119 thông tư, thông tư liên tịch). Tính từ đầu năm đến ngày 31/12/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 52/87 văn bản (44 nghị định, 08 quyết định), đạt 59,77%. Số chưa ban hành là 35/87 văn bản (33 nghị định, 02 quyết định), chiếm 40,23%, trong đó có 06 nghị định ở trong tình trạng “nợ đọng”. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 58/119 văn bản (55 thông tư, 03 thông tư liên tịch), đạt 48,74%. Số chưa ban hành là 61/119 văn bản (48 thông tư, 13 thông tư liên tịch), chiếm 51,26%, trong đó có 10 thông tư, 02 thông tư liên tịch đã ở trong tình trạng “nợ đọng”. 
Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 110/206 văn bản, đạt 53,4%. Theo đó, đã giải quyết được 56/71 văn bản nợ ban hành của năm 2013 và 54/135 văn bản phát sinh trong năm 2014. Số chưa ban hành là 96/206 văn bản, chiếm 46,6%, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”. 
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về cơ bản đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các dự thảo văn bản quy định chi tiết đều được cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các cơ quan, đơn vị có liên quan; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện đánh giá về thủ tục hành chính, góp ý, thẩm định văn bản. Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức xã hội; phát huy vai trò của tổ chức pháp chế và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, đảm bảo tính tiếp nối, thống nhất, phù hợp của văn bản quy định chi tiết với tinh thần của luật, pháp lệnh. Việc đánh giá về thủ tục hành chính đã được lồng ghép với quy trình góp ý, thẩm định văn bản và tập trung vào một đầu mối là Bộ Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, góp phần rút ngắn quy trình xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thẩm định văn bản. Các dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều được Văn phòng Chính phủ thẩm tra về mặt thủ tục và cho ý kiến về nội dung trước khi trình. 
Công tác góp ý, thẩm định và kiểm soát thủ tục hành chính đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với vai trò đầu mối của tổ chức pháp chế. Kết quả cho thấy, chất lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành trong năm 2014 đã được nâng lên đáng kể. Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời, từng bước khắc phục tình trạng văn bản có nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận. 
Các Bộ, ngành đều đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Theo đó, Vụ Pháp chế đã được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ; nhiều Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế. Tổng số cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 2.647 cán bộ, tăng 973 cán bộ so với năm 2013 (1.674 cán bộ). 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, còn có nhiều văn bản phải điều chỉnh về tiến độ soạn thảo, thời hạn trình, ban hành, đặc biệt là có một số văn bản phải điều chỉnh nhiều lần; tình trạng văn bản quy định chi tiết được ban hành không có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh còn diễn ra phổ biến. Một số văn bản chất lượng chưa cao, có nội dung thiếu tính khả thi hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, mới được ban hành nhưng đã có nội dung cần được sửa đổi, bổ sung như một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. 
Tình trạng “nợ đọng” văn bản trong năm 2014 đã giảm rõ rệt (chỉ còn 18 văn bản vào cuối 2014), tuy nhiên, còn tới 78 văn bản quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 chưa được ban hành theo kế hoạch, nên số văn bản nợ đọng đầu tháng 01/2015 tăng lên rất lớn (96 văn bản)…
Trong năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 96 văn bản chưa ban hành, trong đó có 35 văn bản (33 nghị định, 02 quyết định) thuộc thẩm quyển của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 100 văn bản (khoảng 42 nghị định, 06 quyết định và 60 thông tư, thông tư liên tịch) quy định chi tiết bảo đảm chất lượng, tiến độ để tổ chức triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất 18 luật ngay khi có hiệu lực. Đồng thời, chủ động chuẩn bị tổ chức thi hành và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến 11 dự án).
Vũ Lan
(Báo Nhân dân)
;
.