Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014

Thứ Tư, 07/01/2015, 15:14 [GMT+7]
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, cùng với việc hoàn thiện thể chế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và các cấp, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đã cơ bản hoàn thành theo đúng quy định. 
Việc triển khai các nhiệm vụ PBGDPL ở các Bộ, cơ quan, địa phương được thực hiện bài bản, theo kế hoạch thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong Kế hoạch công tác pháp chế năm 2014 như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...; tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số nhóm đối tượng đặc thù như: Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân, phụ nữ, các Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”, “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”… Qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả và bước đầu đưa công tác này đi vào chiều sâu, thực chất.
 
Một phiên họp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Một phiên họp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Công tác phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp năm 2013 được chú trọng. Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tư vấn giúp Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đặc biệt, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2014 gắn với phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, góp phần quan trọng thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống. Các Bộ, ngành, đoàn thể cũng tổ chức tư vấn, hướng dẫn đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp năm 2013 với các hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị tập huấn, xây dựng chuyên mục “Triển khai thi hành Hiến pháp” trên Cổng Thông tin điện tử, báo, tạp chí của Bộ, ngành; tổ chức thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình... 
Đối với các luật, pháp lệnh, các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng việc tuyên truyền phổ biến ngay từ giai đoạn soạn thảo; hoàn thành bước đầu việc phổ biến các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, 7 và đang chuẩn bị tuyên truyền, phổ biến các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Kết quả năm 2014, các Bộ, cơ quan, địa phương đã tổ chức 1.019.351 cuộc tuyên truyền pháp luật, tăng mạnh so với năm 2013 (tăng 257.078 cuộc, tương ứng tăng 33,72%) cho 78.248.847 lượt người (tăng 3.487.971 lượt so với năm 2013) phát hành miễn phí 49.578.425 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật (tăng 10.164.247 tài liệu (tăng 25,78% so với năm 2013), qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân, tổ chức. Hình thức PBGDPL này càng được đa dạng hoá, phục vụ tốt hơn yêu cầu của từng đối tượng được PBGDPL, như soạn thảo, in ấn, phát hành các loại tài liệu sách, báo, tạp chí về pháp luật; xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về tìm hiểu pháp luật, giải đáp pháp luật trên các trang thông tin điện tử, các kênh truyền hình, đài phát thanh; trong đó, tổ chức các hội nghị giới thiệu, phổ biến, quán triệt các nội dung của luật, pháp lệnh cho các nhóm đối tượng khác nhau là phương thức tuyên truyền, phổ biến quan trọng được thực hiện thường xuyên. 
Về triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2143/QĐ-BTP ngày 18/9/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai làm thử việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm (2014-2016) tại 05 địa phương là Thái Bình, Điện Biên, Quảng Bình, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai làm thử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL còn một số hạn chế, bất cập như: chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân nhất là đối tượng đặc thù còn rất hạn chế; việc triển khai một số đề án về PBGDPL còn chậm so với yêu cầu; việc xã hội hóa hoạt động PBGDPL chưa được triển khai rộng rãi. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn lúng túng, phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng đánh giá và thực hiện làm thử ở một số địa phương.
Nguyên nhân là do một số Bộ, cơ quan còn chưa quan tâm đến công tác PBGDPL, nhất là phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp mới được thành lập lại nên chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Đội ngũ làm công tác PBGDPL tại địa phương chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL theo quy định. Kinh phí phục vụ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tự kiểm tra nhiệm vụ PBGDPL ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nguồn lực, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tư pháp xác định, trong năm 2015, đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; thường xuyên có hoạt động tuyên truyền, phổ biến về cuộc thi để cuộc thi có sức lan tỏa rộng lớn, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý của mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức chấm thi, tổng kết, trao giải cuộc thi. 
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 và 07 Đề án được ban hành kèm theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Quý Trọng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)
;
.