Một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển trợ giúp pháp lý

Thứ Sáu, 07/02/2014, 10:48 [GMT+7]

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược, quan điểm về mở rộng đối tượng TGPL là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có trình độ văn hóa thấp, trẻ em, nạn nhân bị bạo lực, nạn nhân bị mua bán là phù hợp, cần tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, hiện nay bối cảnh đã thay đổi, thị trường dịch vụ pháp lý phát triển rất nhanh. Đặc biệt, khi nguyên tắc tranh tụng trước Tòa và quyền con người, quyền công dân được quy định rõ nét trong Hiến pháp sửa đổi, số lượng luật sư sẽ tăng vượt bậc. Ngoài ra, nghĩa vụ bắt buộc thực hiện TGPL đã được quy định trong Luật Luật sư 2012. Do đó, Chiến lược khẳng định xã hội hóa hoạt động TGPL trong giai đoạn từ 2020 - 2030 là tương đối chậm cần phải thúc đẩy sớm hơn… Bộ Tư pháp đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển TGPL giai đoạn 2014-2016 và 2017-2020 như sau:

Nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2014 - 2016                 

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL:

Đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp của Chiến lược; Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến 2015. Nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL với chủ trương nghiên cứu quy mô hệ thống TGPL nhà nước phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương, đồng thời thu hút lực lượng trong xã hội tham gia cung cấp dịch vụ TGPL. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm hoạt động TGPL có hiệu quả.

Trên cơ sở Đề án đổi mới công tác TGPL được phê duyệt, các quan điểm chỉ đạo, ý tưởng đổi mới cần thiết được thể chế hóa trong Luật TGPL sửa đổi năm 2015, Quốc hội thông qua vào năm 2016.

Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) làm việc với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi
Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) làm việc với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi

Thứ hai, có giải pháp thiết thực nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL:

Liên đoàn luật sư Việt Nam cần sớm có hướng dẫn về nghĩa vụ thực hiện TGPL của Luật sư và thực hiện TGPL công ích nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội, vai trò của luật sư tham gia TGPL. Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp cần có chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức trực thuộc ở địa phương quán triệt và tích cực tham gia TGPL nếu có đủ điều kiện theo quy định. Nhà nước chi trả tiền bồi dưỡng thù lao theo vụ việc đối với luật sư thực hiện TGPL của tổ chức đăng ký tham gia TGPL.

Có chính sách miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL, TGPL công ích. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tôn vinh, động viên các luật sư, luật gia tham gia TGPL cũng như các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính cho hoạt động TGPL; tăng mức bồi dưỡng vụ việc cho cộng tác viên TGPL.

Thứ ba, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác TGPL:

Các Trung tâm TGPL tập trung vào nhiệm vụ chính thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và đương sự. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng để giới thiệu người được TGPL đến các Trung tâm yêu cầu trợ giúp trong các vụ việc tố tụng, chú trọng việc tham gia tố tụng hình sự từ giai đoạn điều tra, tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động trong quá trình tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

Có cơ chế quản lý, điều động, hỗ trợ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên, luật sư của tổ chức tham gia TGPL giữa các tỉnh/thành phố thực hiện vụ việc TGPL mà không phụ thuộc vào địa bàn, lãnh thổ hoạt động.

Việc đánh giá chất lượng phải được tổ chức thực hiện theo hướng luật sư độc lập là những người chủ chốt trong việc đánh giá chất lượng các vụ việc, cơ quan nhà nước có vai trò quản lý, giám sát.

Thứ tư, rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL:

Rà soát tính hiệu quả của các Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh, không tăng thêm biên chế, không mở rộng bộ máy tổ chức của Trung tâm TGPL và Chi nhánh mà tập trung củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với Chi nhánh, thực hiện theo lộ trình: (1) Năm 2014: Rà soát tổ chức bộ máy và hiệu quả các Chi nhánh; không thành lập mới Chi nhánh (2) Từ năm 2015: Chấm dứt hoạt động đối với các Chi nhánh thành lập không đúng quy định, không căn cứ vào nhu cầu TGPL, không có Trợ giúp viên pháp lý. Rà soát hoạt động của Câu lạc bộ TGPL, chấm dứt hoạt động đối với các Câu lạc bộ không hiệu quả.

Đổi mới chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, tập trung tập huấn các kỹ năng, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện vụ việc TGPL; xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có năng lực, trình độ thực hiện TGPL nhất là trong hoạt động tố tụng. Để bảo đảm ổn định đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, đề nghị bổ sung quy định chế độ phụ cấp cho Trợ giúp viên pháp lý tương đương như các chức danh tư pháp khác; bổ sung kinh phí nghiệp vụ cho Trung tâm để có thêm thu nhập cho Trợ giúp viên pháp lý.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về TGPL:

Nhà nước quản lý, điều phối, giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động TGPL của tổ chức, cá nhân, bảo đảm TGPL phát triển theo chuẩn mực chung, bảo đảm người thực hiện TGPL phải là chức danh luật sư.

Tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của Bộ Tư pháp, nhất là trong triển khai, theo dõi việc thực hiện pháp luật về TGPL; kiện toàn Cục TGPL và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ Cục TGPL, trước mắt từ năm 2015, điều chỉnh TGPL theo hướng Bộ Tư pháp (Cục TGPL) có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ vụ việc TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL, trên cơ sở đó thực hiện hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc TGPL, chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng. Nghiên cứu và có đề xuất về tính hiệu quả của mô hình Quỹ TGPL.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp đối với công tác TGPL ở địa phương, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý công tác TGPL. Nâng cao nhận thức của cán bộ, chính quyền địa phương về vai trò của cơ quan tư pháp trong quản lý lĩnh vực TGPL ở địa phương.

Nâng cao năng lực giám sát, kiểm tra tổ chức và hoạt động TGPL của Trung ương và địa phương; nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ TGPL của người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động TGPL: xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu về TGPL, quản lý các dữ liệu về vụ việc TGPL; nâng cấp Trang thông tin điện tử TGPL Việt Nam.

Thứ sáu, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL:

Công tác TGPL là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, do vậy, việc dành một khoản kinh phí cho hoạt động này là điều kiện cần thiết. Ở một số nước trên thế giới (Anh, Ailen, Trung Quốc và Moldova, v.v…), hàng năm Quốc hội duyệt chi ngân sách nhà nước cho công tác TGPL. Do đó, ở nước ta hàng năm, Trung ương và địa phương cần bố trí một khoản ngân sách tương xứng cho công tác TGPL, bảo đảm quyền được tiếp cận công lý đối với người thuộc diện được TGPL, đặc biệt kinh phí chi cho các vụ việc TGPL.

Nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2020:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật TGPL sửa đổi, bổ sung bảo đảm các quy định của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, có lộ trình chuyển dần đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư hoặc các chức danh tư pháp khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của cán bộ, viên chức phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, tiến tới chấm dứt chức danh này. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia TGPL, có cơ chế quản lý, khuyến khích hoạt động TGPL tình nguyện của các cá nhân, tổ chức. Từ năm 2020 trở đi, người thực hiện TGPL chủ yếu là các luật sư. Nhà nước không tổ chức thực hiện TGPL mà tập trung quản lý điều phối nguồn lực, giám sát, kiểm soát chất lượng TGPL.

Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL, tập trung vào nhiệm vụ chính thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TGPL: Tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của Bộ Tư pháp về chất lượng TGPL nói chung và vụ việc TGPL nói riêng; Bộ Tư pháp điều phối, cấp toàn bộ kinh phí thực hiện vụ việc TGPL từ năm 2020, qua đó, có thể xác định thứ tự ưu tiên cấp kinh phí cho các vụ việc tham gia tố tụng; quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động TGPL của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật; công bố, xếp hạng các tổ chức TGPL đạt chuẩn và khen thưởng xứng đáng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động TGPL.

Hồng Thúy

;
.