Yên Bái: Triển khai Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020

Thứ Ba, 06/03/2018, 14:48 [GMT+7]
    UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29-11-2017 của Chính phủ về "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh.
 
    Theo đó UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các sở, ban, ngành, địa phương phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách đế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Khẩn trương rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý. Quy định chức trách của từng vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thưc hiện quy tắc ứng xử; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ.
 
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái tháng 8-2017 (Ảnh: Cù Tất Dũng)
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái tháng 8-2017 (Ảnh: Cù Tất Dũng)
    Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây bức xúc trong dư luận. Khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
 
    Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, dơn vị; đổi mới phương thức, phạm vi, thời gian công bổ, công khai trong hoạt động thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị. Tăng cường công khai, minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai, kiểm soát việc hợp lý hóa việc công khai bản kê khai.
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng. Tổ chức thực hiện quy trình, hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là các lĩnh vực mà các vụ án tham nhũng ngày càng có số lượng trưng cầu giám định tăng lên như: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, khoa học công nghệ, công thương, thông tin và truyền thông... Có cơ chế khai thác, sử dụng thiết bị chuyên dụng của cơ quan, tổ chức dược trưng cầu và các tổ chức chuyên dụng khác vào hoạt động giám định tư pháp để đảm bảo điều kiện, thời hạn và yêu cầu cao về chất lượng giám định, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
 
    Tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; cổ phàn hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ...; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
 
    Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra các cấp với cơ quan điều tra tố tụng trong điều tra, hướng dẫn điều tra xử lý các vụ án nói chung, vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng. Tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiến hành thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm; những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
 
    Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, trong các cơ' quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng.
 
    Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường phương tiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng ở cấp địa phương, cơ sở. Xây dựng lực lượng chuyên trách chống tham nhũng đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử…
 
    Kế hoạch là căn cứ để các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị mình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ về PCTN.
Bình Minh
;
.