Nam Định: 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng

Chủ Nhật, 11/03/2018, 07:46 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29-11-2017 của Chính phủ và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” với 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
 
Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định năm 2017
Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định năm 2017
    Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Các cấp, các ngành xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-2-2012, kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03-02-2017. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm cần xét đến tiêu chí hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng với phương châm: Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
 
    Thứ hai, tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quy định rõ chức trách của từng vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định (khóa XIX) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo; xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, gây nhiều dư luận. Khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Nghiên cứu thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. 
 
    Thứ ba, thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai. Thực hiện nghiêm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, kiểm soát biến động tài sản, thu nhập. Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác.
 
    Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo; thu thập, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, người làm chứng theo quy định. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra của Đảng, Thanh tra của Nhà nước, kịp thời có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh vụ việc, vụ án tham nhũng…
 
    Thứ năm, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, Thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trong việc nâng cao hiểu biết nhận thức, phát hiện, đấu tranh với tham nhũng…
Bình Minh
 
;
.