Bình Thuận: Kết quả thực hiện Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
Thứ Hai, 12/03/2018, 14:46 [GMT+7]
Trong 02 năm qua, việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã được các cấp, các ngành tổ chức đồng bộ, toàn diện và nghiêm túc.
Toàn tỉnh đã phát hiện, thụ lý giải quyết 07 vụ/14 người có hành vi tham nhũng. Đến nay, đã xử lý xong 01 vụ/4 người, đang tiếp tục xử lý 06 vụ/10 người. Trong đó, phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra 04 vụ/06 người; qua kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng 01 vụ/04 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 02 vụ/04 người. Ngoài ra, toàn tỉnh còn phát hiện 11 vụ/19 người có sai phạm liên quan đến kinh tế - chức vụ, thiệt hại gần 04 tỷ đồng (đã thu hồi trên 200 triệu đồng); hiện đã xử lý xong 04 vụ/05 người (xử lý hành chính 03 vụ/04 người, hình sự 01 vụ/01 người), đang điều tra 07 vụ/14 người.
Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị |
Nhìn chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được tập trung chỉ đạo có hiệu quả; vụ việc, vụ án tham nhũng đều được làm rõ, xem xét xử lý thận trọng, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; một số vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm đã được chỉ đạo xử lý. Hoạt động của các cơ quan, đơn vị tham mưu có chức năng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí các cấp đạt hiệu quả hơn; từng bước phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa sâu rộng. Số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được xử lý còn thấp so với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm. Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định thiệt hại rừng, định giá tài sản trong nhiều trường hợp chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xử lý các vụ án. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa. Việc trao đổi thông tin tội phạm, hành vi tham nhũng theo quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng có mặt còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng một số nơi chưa sâu. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm còn ít so với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Thuận đề ra một số giải pháp sau:
Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc chế độ định kỳ ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp tục quán triệt sâu và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Trung ương và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, trước hết là trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng để công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng thật sự trở thành khâu đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thiết thực, hiệu quả. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; phát huy dân chủ trong từng cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động; xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực và trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và cơ quan dân cử; thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Phát huy tốt hơn vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án còn tồn đọng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Đề ra giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Ngô Minh Hòa
(Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận)
;