Thái Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Tư, 01/03/2017, 13:50 [GMT+7]
    Ngày 23-02-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Kế hoạch số 33-KH/TU thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
    Kế hoạch gồm các nội dung: 
 
    (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X); Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW; Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 16-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 03-9-2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, các nghị quyết chuyên đề, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
Một cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
Một cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
    (2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp: Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ cùng cấp và cấp trên trực tiếp về tình hình phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình, chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 
 
    (3)  Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ: Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; có cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển,  miễn nhiệm, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, uy tín thấp; quy định cụ thể và thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh không phải là người địa phương; không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
    (4) Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ: Tiếp tục hoàn thiện các quy định của tỉnh về quản lý, điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý sử dụng biên chế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; phòng, chống rửa tiền; chuyển mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện quy định về công khai, minh bạch của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Ban hành quy định về thẩm tra, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định của Đảng và Nhà nước trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. 
 
    (5) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành thể chế thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; tập trung chỉ đạo xây dựng Quy chế tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển công chức, viên chức giữ các chức danh trưởng, phó phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
    (6) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản sau thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Thực hiện tốt công tác giám định, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập liên quan đến việc trưng cầu giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp hiện nay. Đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường phương tiện làm việc của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. 
 
    (7) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí: Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị chức năng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân, các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và người có trách nhiệm, thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng nói chung và trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; đồng thời, nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật, hãm hại người đấu tranh chống tham nhũng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Kết luận số 10-KL/TW và Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 
                                                                  Nguyễn Thị Khánh
                                                          (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
;
.