Quảng Bình: Chủ động phòng ngừa phát hiện và xử lý tham nhũng

Thứ Ba, 21/03/2017, 16:17 [GMT+7]
    Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    Theo Báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh có nhiều cố gắng, đạt những kết quả nhất định. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Các giải pháp trong phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai, bước đầu đạt một số kết quả khả quan. Tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trước hết là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đơn vị từng bước được nâng cao, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. 
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được thực hiện kịp thời, đúng luật định, được dư luận đồng tình; tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, lãng phí đã được kiện toàn; các cơ quan Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thành lập bộ máy chuyên trách về chống tham nhũng. 
 
    Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 08 vụ tham nhũng với 17 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính 5 vụ/10 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 03 vụ/7 đối tượng; tổng số tiền thiệt hại hơn 3,9 tỷ đồng, thu hồi cho Ngân sách nhà nước hơn 3,3 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra 2 cấp đã thụ lý điều tra 29 vụ/70 bị cáo (tội tham ô tài sản 22 vụ, nhận hối lộ 05 vụ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 02 vụ); đã khởi tố điều tra 26 vụ/61 bị can, trong đó đề nghị truy tố 24 vụ/57 bị can, đình chỉ điều tra 01 vụ/03 bị can. Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thụ lý giải quyết 24 vụ/57 bị can, trong đó truy tố 24 vụ/49 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý giải quyết 24 vụ/49 bị cáo, trong đó tù có thời hạn 28 bị cáo, hưởng án treo 20 bị cáo và cải tạo không giam giữ 01 bị cáo. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và Đảng uỷ Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Toà án nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã ký kết Quy chế phối hợp ba bên với Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; ký kết Quy chế phối hợp với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thanh tra tỉnh. Kết quả phối hợp giữa các cơ quan bước đầu đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh. 
 
    Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra, một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong PCTN; công tác tuyên truyền, phát hiện tham nhũng còn hạn chế... Đồng chí khẳng định: Thời gian tới cần tiếp tục xác định việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Yêu cầu đặt ra cho công tác này là: Chủ động phòng ngừa là chính; phát hiện, xử lý là quan trọng và cấp bách, phải thực hiện kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, không có ngoại lệ. 
 
    Để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCTN, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục chỉ đạo và triển khai hiệu quả; thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; cơ quan chức năng tăng cường giám sát công tác PCTN, trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính và các thủ tục giải quyết cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra và xử lý tin báo tố giác tội phạm; thực hiện có hiệu quả việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội hằng năm; làm tốt công tác thi hành án để nâng cao tính giáo dục, răn đe; công khai kết quả xử lý các vụ án để nhân dân được biết; tiếp tục kiện toàn bộ máy của các cơ quan có chức năng PCTN để bảo đảm hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ; tăng cường và khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân và báo chí; thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách PCTN...
Võ Bá Phong 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
;
.