Hòa Bình: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ Ba, 21/03/2017, 16:54 [GMT+7]
Sau 10 năm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển tích cực.
Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương làm việc tại Tỉnh ủy Hòa Bình tháng 9-2016 |
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận 21-KL/TW gắn với triển khai Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của xã hội, đối với cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, kịp thời biểu dương những điển hình tốt, phổ biến kinh nghiệm hay, phê phán và lên án những hành vi tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.
Toàn tỉnh tổ chức 6.517 lớp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với 439.577 lượt người tham gia, xuất bản 1.154 đầu sách, tài liệu; chuyển đổi vị trí việc làm theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP được 2.460 lượt công chức, viên chức; đã xử lý 20 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, tổ chức xảy ra tham nhũng.
Tổng số vụ án tham nhũng đã thụ lý, giải quyết là 32 vụ/65 bị can (trong đó: tự phát hiện trong cơ quan, đơn vị: 03 vụ/03 người; qua xử lý đơn thư tố cáo: 03 vụ/05 người; qua thanh tra: 02 vụ/03 người; điều tra: 24 vụ/53 bị can). Đã kết thúc điều tra 29 vụ/60 bị can, tạm đình chỉ điều tra 01 vụ/01 bị can, chưa kết thúc điều tra 02 vụ/04 bị can. Viện kiểm sát đã truy tố 25 vụ/56 bị can, Tòa án các cấp đã xét xử 25 vụ/56 bị cáo. Thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng 13,1 tỷ đồng/21,8 tỷ đồng, đạt 60%.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, toàn tỉnh đã cắt giảm 22 dự án, tiết kiệm kinh phí 57 tỷ đồng, gồm các khâu thẩm định phê duyệt dự án 31,7 tỷ đồng, đấu thầu 15,5 tỷ đồng, thi công 0,75 tỷ đồng, quyết toán 9,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên công tác PCTN, lãng phí còn một số mặt hạn chế như công tác tuyên truyền thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành; còn có cán bộ, đảng viên thiếu sức chiến đấu, chưa thực sự gương mẫu, ngại va chạm, nhiều đơn vị khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác; việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có nội dung còn mang tính hình thức, như minh bạch tài sản, thu nhập. Cơ chế chính sách về quản lý kinh tế một số lĩnh vực còn chung chung, nhiều văn bản được ban hành có nội dung quy định chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, gây thất thoát, lãng phí tại một số dự án, công trình xây dựng cơ bản, nguồn tài nguyên, khoáng sản, mua sắm công tại địa phương… Cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số đơn vị, cơ sở chưa đạt yêu cầu, chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu; khả năng tự phát hiện tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa cao, dẫn đến một số vụ việc, vụ án về kinh tế còn kéo dài gây tình trạng thất thoát, lãng phí. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) về cung cấp thông tin và tiến độ xử lý tham nhũng có vụ chưa đạt yêu cầu; còn lúng túng trong phối hợp thực hiện giám định tư pháp; mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả cao hơn.
Vũ Chính Vĩnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình)
;