Bộ Tư pháp: Chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 25/01/2017, 14:02 [GMT+7]

Năm 2016, Bộ Tư pháp xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Lãnh đạo Bộ đã phân công một đồng chí Thứ trưởng phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng và giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác này. Tại các cuộc giao ban, thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ, lãnh đạo bộ đều chỉ đạo kịp thời về công tác phòng, chống tham nhũng.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ thường xuyên tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, chặt chẽ, hoặc sơ hở, chồng chéo có thể dẫn đến hành vi tham nhũng, đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những quy định mới để đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Một Hội nghị của Bộ Tư pháp
Một Hội nghị của Bộ Tư pháp

Việc tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Bộ Tư pháp luôn chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đều quan tâm chỉ đạo sát sao công tác này.

Hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều được thực hiện công khai, minh bạch dưới hình thức thông báo, phổ biến công khai trong các cuộc họp của Bộ và của từng đơn vị. Hầu hết các đơn vị thuộc Bộ có tài khoản riêng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ nhằm công khai hoạt động thu, chi của các đơn vị theo chủ trương khoán chi ngân sách Nhà nước và tự chủ ngân sách, tiết kiệm chi, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức.

Bộ thường xuyên rà soát các văn bản quy định về các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc ban hành mới các văn bản; thực hiện đúng các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, Bộ còn ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng của Bộ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-BTP ngày 26-02-2010  của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp; Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03-10-2012 của Bộ Tư pháp ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp và triển khai thực hiện trong toàn bộ: thực hiện triệt để quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25-3-2013 về việc cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng và đảm bảo phát huy năng lực của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Trong năm 2016, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển đào tạo, bồi dưỡng theo đúng kế hoạch đã ban hành.

Căn cứ Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập thuộc đơn vị mình tiến hành kê khai hoặc kê khai bổ sung theo đúng quy định và báo cáo kết quả kê khai, xác minh tài sản, thu nhập năm 2015 để tổng hợp chung. Đến nay, Bộ Tư pháp chưa nhận được ý kiến phản ánh nào về sự không trung thực trong việc kê khai tài sản cũng như yêu cầu xác minh tài sản.

Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ, như: Công chứng, hộ tịch, thi hành án, công tác tiếp dân và xử lý đơn thư.

Việc thực hiện nghiên cứu, rà soát độc lập các thủ tục hành chính, đề xuất phương án đơn giản và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến nay bước đầu có kết quả.

Hệ thống quản lý, đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đã được hoàn thiện, nâng cấp, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ Tư pháp luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ. Hạ tầng kỹ thuật thông tin trong toàn ngành được phát triển, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành được đẩy mạnh, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hành chính của ngành và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ đã thực hiện trả lương, thanh toán tiền làm thêm giờ, tiền khen thưởng qua tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ, đồng thời triển khai đến hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự địa phương góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, đổi mới công nghệ quản lý, kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và phòng ngừa tham nhũng.

                                                                            Ngô Sỹ Giang

;
.