Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Chính phủ
Thứ Ba, 27/12/2016, 14:55 [GMT+7]
Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006-2016, công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng; hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch. Người dân dễ dàng nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức nhà nước ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền do pháp luật quy định. Nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22-5-2013 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020 |
Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Hệ thống thể chế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khắc phục những sơ hở làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính được điều chỉnh phù hợp hơn. Phân cấp quản lý giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh được thực hiện có hiệu quả hơn, bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thể chế, pháp luật về quản lý tài chính công từng bước được đổi mới, hoàn thiện. Việc luật hóa và công khai hoá các nguồn thu và các khoản chi ngân sách Nhà nước đã nâng cao tính dân chủ và minh bạch trong quản lý ngân sách quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hợp lý hóa trình tự giải quyết công việc, xóa bỏ các quy định chồng chéo, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhân rộng mô hình một cửa điện tử; triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; thiết lập và công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn. Đã có gần 400.000 doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet, chiếm 86% doanh nghiệp đang hoạt động. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa 4.219/4.712 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 89,5%). Đã thiết lập và công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm 102.911 hồ sơ thủ tục hành chính và 9.855 hồ sơ văn bản có liên quan về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp.
Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chuyển biến rõ nét, nhất là công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật; hoạt động chất vấn, trách nhiệm giải trình… Các bộ, ngành, địa phương đã bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức đã được quan tâm chấn chỉnh.
Việc hoạch định, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn được khảo sát, công khai lấy ý kiến rộng rãi, tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Theo kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2015 - PAPI 2015 do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện: từ năm 2011 đến hết năm 2015 có sự gia tăng đáng kể về mức độ công khai, minh bạch, với mức gia tăng về điểm qua năm năm đạt 5,92: từ 5,47 lên 5,88 điểm; so với giai đoạn 2006-2011 tăng mạnh từ 3,1 lên 5,47 điểm.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch từng bước được tăng cường. Từ năm 2006-2015 đã kiểm tra 64.242 cơ quan, đơn vị, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý 2.406 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Các hoạt động đẩy mạnh đổi mới công nghệ quản lý cũng được chú trọng như mở rộng việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gắn với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế như: Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên so với trước nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thủ tục hành chính còn rườm rà, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai; tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính chưa được cải thiện; việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức triển khai thực hiện còn có nhiều vấn đề chưa hợp lý. Ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị của những tập thể và cá nhân có trọng trách, nhất là của người đứng đầu triển khai thực hiện chưa cao.
Lê Sơn
;