Tòa án nhân dân tối cao: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 15/03/2016, 11:00 [GMT+7]
    Ngày 14-3, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.
 
    Theo báo cáo 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Báo cáo chuyên đề về công tác xét xử tội phạm tham nhũng của Tòa án nhân dân, qua 10 năm thực hiện, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy về cơ bản hệ thống Tòa án đã và đang thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, trong đó có các vụ án tham nhũng; Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2005 và các Luật sửa đổi, bổ sung); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Trong xét xử các vụ án tham nhũng, 10 năm qua Tòa án nhân dân tối cao các cấp đã giải quyết 4.323 vụ án/11.080 bị cáo. Công tác xét xử đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Do vậy, trong 10 năm qua, trong hệ thống Tòa án ít để xảy ra các hành vi tham nhũng. Đối chiếu các nội dung, yêu cầu mà Luật phòng, chống tham nhũng cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã đề ra, công tác phòng, chống tham nhũng của hệ thống Tòa án về cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Kết quả này xuất phát từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng của hệ thống Tòa án. Trong quá trình thực hiện, Ban cán sự đảng, Đảng uỷ và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trọng tâm, tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng nên đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác PCTN, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử và chấp hành nghiêm các quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị, các quy định về phòng, chống tham nhũng. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống Tòa án nhân dân đạt kết quả tốt.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, Tòa án địa phương vẫn còn tình trạng có cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống nên còn xảy ra tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật. Ở một số đơn vị, người đứng đầu, cán bộ công chức, đảng viên có biểu hiện né tránh hoặc ngại va chạm trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thậm chí cá biệt có trường hợp còn có biểu hiện bao che cho hành vi tham nhũng…
 
    Các ý kiến tham luận tại Hội nghị nêu lên thực trạng tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản và uy tín của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng còn chậm và chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; do vậy, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn, thách thức, một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội.
 
    Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu đã kiến nghị những giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng; kiện toàn cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng theo hướng nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập với hệ thống cơ quan hành chính; kịp thời khen thưởng, tuyên dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng…
 
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tòa án nhân dân luôn chủ động, tích cực, đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Luật phòng, chống tham nhũng. 
 
    Trong thời gian tới, đòi hỏi ngành Tòa án cần phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực có chất lượng cao, nắm vững các nội dung quy định của công pháp và tư pháp quốc tế, luật pháp trong nước; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các thể chế và các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để đảm bảo giải quyết tốt các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các tội phạm truyền thống và phi truyền thống, nhất là các tội về tham nhũng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
 
    Để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các Tòa án nhân dân cần tiếp tục thực hiện 5 giải pháp đột phá mà Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra. Mỗi cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân phải luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
 
    Nhân dịp này, 37 tập thể và 38 cá nhân được tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vì đã lập thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2005-2015. 
                                                                                 Tiến Dũng
                                                                                  (TTXVN)
;
.