Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo
Thứ Năm, 17/12/2015, 10:40 [GMT+7]
Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào đạo, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, ngay từ năm học 2013-2014, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị giao ban cuối học kỳ I và đầu học kỳ II năm 2013-2014 với 38 hiệu trưởng trường THPT trong toàn tỉnh để phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 10/CT-TTg.
Các nội dung về phòng, chống tham nhũng được các trường biên soạn giáo án trong môn Giáo dục công dân cấp trung học phổ thông với thời lượng 6 tiết ở lớp 10,11,12. Ngoài các nội dung giảng dạy chính khóa, thì việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng cũng được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, giúp giáo viên không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên tìm hiểu, tiếp cận những thông tin mới nhất truyền thụ tới học sinh.
Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ có buổi kiểm tra, làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc |
Thông qua chương trình này, học sinh đã phân biệt đúng sai trước các thông tin về phòng, chống tham nhũng. Nhận thức của học sinh đã có những chuyển biến ích cực, từ thái độ coi phòng, chống tham nhũng là việc làm xa vời của cơ quan nhà nước, thì đến nay đại đa số học sinh đã coi phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm chung của mọi người, mọi công dân, trong đó có bản thân mình. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức cho các em tiến tới trở thành những công dân sống, làm việc theo pháp luật, biết lên án, đẩy lùi những biểu hiện tham nhũng trong xã hội.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, trên thực tế việc giảng dạy chương trình phòng, chống tham nhũng trong các cấp học PTTH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng gặp phải không ít khó khăn như: Việc giảng dạy tích hợp kiến thức phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân cùng nhiều nội dung khác như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… khiến giáo viên và học sinh “nặng” kiến thức hơn nên hiệu quả chưa thật cao.
Để nâng cao hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, trong thời gian tới, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bố trí nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng thích hợp hơn; tiếp tục bồi dưỡng công tác phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, bổ sung tài liệu chuyên môn phục vụ công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các điều luật, các chế tài xử phạt về hành vi tham ô, tham nhũng; xây dựng quy chế phối hợp các cơ quan ngành giáo dục, tư pháp và các cơ quan hữu quan khác trong công tác tuyên truyền và giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng …
Quang Đông
(Báo Thanh tra)
;