Phòng ngừa và phát hiện tham nhũng từ việc kê khai tài sản
Điều 395 Bộ Luật hình sự Trung Quốc quy định: "Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lương chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức đó không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu".
Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Sing-ga-po, Thái Lan... yêu cầu kê khai sau khi được tuyển dụng, đề bạt hoặc bầu cử và phải kê khai bổ sung hàng năm. Thái Lan yêu cầu sau khi thôi chức cũng phải kê khai. Công chức nào không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý và được đưa tin công khai trên báo chí. Các nước này đều thành lập các cơ quan phụ trách việc kê khai tài sản (Hàn Quốc có Tiểu ban phụ trách việc kê khai tài sản trực thuộc Uỷ ban đặc biệt về đạo đức, Ma-lai-xia có cơ quan đăng ký tài sản công chức, Thái Lan có Uỷ ban chống tham nhũng...). Tại Hàn Quốc, thời điểm kê khai hàng năm là từ tháng 11 đến tháng 01 của năm sau. Tại Ma-lai-xia, cơ quan đăng ký tài sản công chức có quyền sa thải công chức nếu công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình (Điều 9, Quy định về chế độ công chức). Luật chống tham nhũng năm 1989 của Sing-ga-po cho phép Toà án tịch thu bất cứ khoản tiền và tài sản nào của một công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc.
Theo Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc thì tất cả tài sản do tham nhũng mà có đều bị tịch thu và xử lý như sau: trả về nước đã bị mất tài sản để nước đó trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ; dành một phần chi cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung; chi một phần cho việc phát hiện, thu giữ tài sản đó. Một số nước có Luật sung công tài sản của người bị nghi là tham nhũng nếu họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.
Có thể nói kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng ta đã có chủ trương và Nhà nước đã thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện như: Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09-3-2007; Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08-8-2011 và Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật và biểu mẫu kê khai, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, kiểm soát việc kê khai tài sản, có thể thông qua việc hình thành một cơ quan theo dõi, kiểm soát độc lập hoặc thành lập thêm 01 đơn vị trực thuộc Ban Nội chính hoặc Thanh tra các cấp và cương quyết thu hồi sung công tài sản bất minh mà cán bộ, công chức không giải trình được nguồn gốc rõ ràng, đồng thời có cơ chế trích một phần kinh phí của tài sản thu hồi thưởng cho cơ quan này và các cơ quan có liên quan để động viên kịp thời. Cần phải mở rộng đối tượng kê khai để kiểm soát nhằm phần nào tránh được kẽ hở để một bộ phận cán bộ nhờ người thân đứng tên tài sản.
Huỳnh Văn Thắng
(Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng)