Phòng, chống tham nhũng từ cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính

Thứ Ba, 01/12/2015, 10:44 [GMT+7]
    Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia tại Việt Nam 2012-2017 - Chương trình do Liên Hợp quốc tài trợ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa tổ chức Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính”. 
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình Quốc gia mà Việt Nam ký kết với UNODC bắt đầu từ tháng 7-2012 dự kiến kết thúc vào tháng 7-2017 đã đề cập một số nội dung quan trọng gồm: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán trái phép; phòng, chống tham nhũng; chương trình về Tư pháp hình sự “Tăng cường sự liêm chính, giải quyết vấn đề miễn tố và phát triển hệ thống tư pháp chuyên nghiệp là những nhân tố quan trọng”. Với mục đích thực hiện các nội dung trong khuôn khổ hợp tác đã thỏa thuận, thời gian qua UNODC và các cơ quan, tổ chức quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành của Việt Nam trong việc thực hiện và triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, thực thi pháp luật và tăng cường sự liêm chính.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Tại Việt Nam, những năm gần đây hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng có diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, tín dụng, tài chính, xây dựng cơ bản… Tội phạm tham nhũng đã làm thất thoát lớn về tài sản và làm tha hóa một số cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. 
 
    Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội nghị tập trung vào các nội dung: Mối liên hệ giữa tham nhũng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức về tham nhũng cho cán bộ và người dân; quy trình khiếu nại công khai và các kết quả giải quyết khiếu nại…
 
    Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng như: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong việc thực hiện các giao dịch kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công… Cùng với đó, cần quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
                                                                             Lê Hiếu
                                                                              (VOV)
;
.