Nam Định: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 23/12/2015, 11:29 [GMT+7]
    Ngày 22-12, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. 
 
    Theo báo cáo tại buổi làm việc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh Nam Định đã góp phần khắc phục được những hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ; việc chi tiêu, sử dụng tài sản công còn lãng phí; hiệu quả sử dụng đất được giao thấp. Một số đơn vị, cán bộ chưa nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu trong phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, còn nể nang, né tránh hoặc không tố giác tham nhũng. Một số cán bộ vi phạm về quản lý kinh tế bị xử lý... 
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Giai đoạn 2005 - 2015, Thanh tra tỉnh Nam Định tiến hành trên 2.600 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với trên 48.200 lượt cơ quan, đơn vị, cá nhân. Nội dung thanh tra tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo và các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất; tài chính, ngân sách; các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, xã hội, y tế. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 178,3 tỷ đồng, hơn 1.700ha đất; đã thu hồi gần 92 tỷ đồng, xử lý kỷ luật Đảng 87 đối tượng, chuyển 10 vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm có biện pháp xử lý. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp gần 41.260 lượt công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý trên 19.600 đơn thư. 
 
    Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha đề nghị: thời gian tới, Nam Định cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Các cấp, ngành trong tỉnh triển khai tốt các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của từng cấp, ngành, đơn vị, nhất là đối với những chủ trương, kế hoạch lớn như chương trình công tác; phân bổ dự toán ngân sách; đầu tư xây dựng; chỉ tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức, viên chức. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả quy tắc ứng xử của cán công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai các quy định về minh bạch tài sản và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ... 
Vũ Văn Đạt
(TTXVN) 
;
.