Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng
Ngày 15-12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng của Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND và thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh; quy định cụ thể nội dung, cách thức tổ chức thực hiện việc tổng kết, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan trong việc tổng hợp, xây dựng báo cáo.
Quang cảnh buổi làm việc |
Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, tỉnh đã yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng trong tỉnh đánh giá khách quan thực trạng, nguyên nhân, tồn tại và hạn chế trong việc triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng trên địa bàn 10 năm qua. Thực tiễn trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới Luật còn bộc lộ hạn chế như kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức; công khai, minh bạch còn mang tính đối phó; xử lý người đứng đầu còn vướng mắc, chưa nghiêm; trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng.
Để tăng cường các giải pháp thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản thi hành theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh trong cả khu vực công và khu vực tư; hình sự hóa mạnh các hành vi tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp; thể chế hóa xây dựng một cơ quan chuyên trách ở Trung ương, có đủ quyền lực và cơ chế đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 theo đúng phạm vi tài sản Nhà nước được quy định trong Hiến pháp 2013 và đồng bộ với một số Luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và Môi trường, đồng thời nghiên cứu xây dựng Luật về tài sản công.
Đặc biệt, nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ, công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, ngành và các cơ quan đặc thù cũng như cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với những người phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng ở cơ quan, cơ sở phụ trách. Trên cơ sở đó, tỉnh tổng kết đánh giá nghiêm túc, thực chất, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh, rút ra kinh nghiệm và đưa ra giải pháp có tính đột phá nhằm giảm tình trạng tham nhũng trong thời gian tới. Đồng thời, từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, tỉnh đề xuất, kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
Quốc Việt
(TTXVN)