Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 2

Thứ Tư, 23/12/2015, 14:17 [GMT+7]
    Ngày 22-12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ hai.
 
    Phiên họp này nhằm đánh giá tình hình tiến độ tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra của các thành viên Ban Chỉ đạo, thảo luận về kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật.
 
    Theo Báo cáo tại Phiên họp, tính đến 31-10, tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đều đã triển khai, xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo tiến hành hoạt động tổng kết trong phạm vi quản lý.
 
    Một số nơi đã thành lập Tổ công tác như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có nơi thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương để triển khai việc tổng kết như tỉnh Đồng Nai.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức xong Hội nghị tổng kết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành làm điểm Hội nghị tổng kết vào ngày 24-12 tới. Công tác tổng kết đã được Ban Chỉ đạo tích cực chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện.
 
    Để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh giá công tác tổng kết, Ban chỉ đạo đã và đang tổ chức các đoàn công tác tại một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan.
    
    Trong tháng 12-2015 và tháng 01-2016, các thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp kiểm tra tại 36 bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Tính đến ngày 22-12, đã kiểm tra được 14 nơi. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy công tác chuẩn bị cho tổng kết 10 năm thi hành Luật tại các bộ, ngành, địa phương khá nghiêm túc, bám sát yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
 
    Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức yêu cầu, tầm quan trọng của việc tổng kết nên thiếu chủ động, chậm triển khai kế hoạch tổng kết. Vẫn còn 49/120 cơ quan, bộ, ngành địa phương chưa gửi dự thảo báo cáo tổng kết về Ban Chỉ đạo (chiếm 40,8%), mặc dù theo Kế hoạch, thời hạn gửi dự thảo báo cáo tổng kết là ngày 30-11.
 
    Chất lượng dự thảo báo cáo tổng kết của một số nơi chưa cao, đánh giá tình hình chưa sâu, chưa đóng góp được nhiều kiến nghị về hoàn thiện chính sách, pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, nhất là hoàn thiện pháp luật để ngăn ngừa sơ hở trong lĩnh vực, phạm vi quản lý của mình như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa.
 
    Có nơi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng không toàn diện, chưa đạt yêu cầu, không phát hiện vi phạm, sai phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
 
    Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí với dự thảo kế hoạch và báo cáo tiến độ tổng kết. Nhiều ý kiến cho rằng các địa phương chỉ chú ý đến tổng kết ở cấp tỉnh, việc triển khai chỉ đạo tổng kết ở cấp dưới chưa sâu sát, thường gắn tổng kết công tác năm với tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng nên khó có thể bảo đảm chất lượng đề ra. Thực chất quá trình tổng kết diễn ra còn chậm, ở góc độ nào đó chưa đạt yêu cầu.
 
    Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch tổng kết kịp thời, đôn đốc kiểm tra nghiêm túc; các thành viên Ban Chỉ đạo đã trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá hoạt động tổng kết tại các bộ, ngành, địa phương một cách tích cực, trách nhiệm.
 
    Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng như: chậm so với tiến độ, chất lượng tổng kết còn thấp, không sâu trong đề xuất các giải pháp mới. Còn lúng túng trong biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng.
 
    Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng nhằm phát hiện những sơ hở trong chính sách pháp luật, đề xuất những kiến nghị trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo chú trọng đến chất lượng dự thảo báo cáo tổng kết và chất lượng, tiến độ tổng kết của Trung ương và các bộ, ngành, địa phương.
 
    Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, trước hết là các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp đôn đốc cơ quan, đơn vị mình triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhất là đối với những nơi chậm triển khai, chậm gửi dự thảo báo cáo về Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
    Các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc kiểm tra công tác tổng kết theo kế hoạch đã thông báo cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, 22 cơ quan chưa kiểm tra phải được kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương, nhất là những bộ, ngành, địa phương trọng điểm, có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổng kết đảm bảo tiến độ, chất lượng.
 
    Phó Thủ tướng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo theo phạm vi được phân công đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan hoàn thành các báo cáo chuyên đề trong tháng 1-2016 và hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong tháng 2-2016.
 
    Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo xem xét, đóng góp ý kiến các dự thảo báo cáo thiết thực, sâu sắc, nội dung hấp dẫn, phân loại, đánh giá mức độ tổng kết.
 
    Ban Chỉ đạo Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lựa chọn những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng.
 
    Tại cuộc họp vào đầu tháng 3-2016, Ban Chỉ đạo sẽ thông qua Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật, đánh giá công tác tổng kết và chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc vào cuối tháng 3-2016.
                                                                                Chu Thanh Vân
                                                                                      (TTXVN)
;
.