Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 146 vụ án tham nhũng
Thứ Hai, 16/11/2015, 11:22 [GMT+7]
9 tháng đầu năm 2015, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, quán triệt toàn Ngành thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật ngân sách Nhà nước, Luật quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về phòng, chống tham nhũng đối với việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại một số bộ, ngành, địa phương; Kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương về kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao đầu mối thu hồi tài sản tham nhũng cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra công tác kiểm sát tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh |
Tổ chức thành công Hội nghị toàn Ngành về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; qua đó, nắm bắt đầy đủ tình hình, đánh giá chính xác những kết quả đã đạt được, khó khăn, vướng mắc và cách tháo gỡ trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng nhằm nâng cao tỉ lệ phát hiện tội phạm, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng. Hoàn thành dự thảo trình nghiệm thu Đề án “Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội Tham ô, hối lộ” và Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân”.
Chỉ đạo các cấp ủy đảng, các đơn vị trực thuộc, Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng đăng tải đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các bài viết về kết quả, kinh nghiệm rút ra trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các bài nghiên cứu, trao đổi, góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi);… trên trang thông tin, tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng hoặc không kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Quán triệt nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở, Quy chế chi tiêu nội bộ; công khai tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo quy định. Quan tâm cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, tự chủ về tài chính, thực hiện 100% chi trả lương và các khoản thu nhập khác cho cán bộ qua tài khoản.
Ban hành văn bản chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phúc tạp, dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Trong kỳ, Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 146 vụ án tham nhũng/358 bị can, chủ yếu tập trung vào tội danh “Tham ô tài sản” 41 vụ/72 bị can; “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” 13 vụ/11 bị can; “Nhận hối lộ” 15 vụ/14 bị can;… Đã truy tố 121 vụ/499 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 180 vụ/371 bị cáo. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện điều tra 14 vụ/13 bị can về nhóm tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ trong hoạt động tư pháp.
Lê Anh
;