Nam Định: Công tác phòng, chống tham nhũng đạt chuyển biến tích cực
Thứ Ba, 03/11/2015, 15:14 [GMT+7]
(BNCTW) - 5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng được tỉnh Nam Định xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội; bám sát mục tiêu, có chuyển biến tích cực trên cả hai mặt phòng và chống.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; triển khai Kế hoạch tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006-2010 nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Ban hành Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy; Quy định về sự lãnh đạo của Ban Thường vụ đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;…
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định chủ trì Hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý II, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2015 |
Tuyên truyền giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X); Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 (Khóa X); Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống tham nhũng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như: thu, chi ngân sách; quy hoạch đô thị; quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch quản lý đất công;… Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Từ năm 2010 đến năm 2015, có 1.293/1.293 cơ quan, đơn vị kê khai tài sản, thu nhập (đạt 100%); 33.740/39.899 người kê khai (đạt 84,6%). Thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị như: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục thuế tỉnh; hệ thống các ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn;…
Tổ chức rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng quy chế làm việc, quy định quản lý và sử dụng tài sản công. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Áp dụng và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính, đến nay đã có 42 cơ quan, tổ chức áp dụng ISO trong quản lý, 95% cơ quan, tổ chức thực hiện chi trả lương qua tài khoản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng còn một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đầy đủ, chưa tích cực lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa tham nhũng; việc kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống tham nhũng còn hạn chế;…
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh Nam Định cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; khuyến khích, kịp thời động viên, bảo vệ những cá nhân dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giải quyết dứt điểm và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;…
Kim Anh
;