Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 21/09/2015, 15:25 [GMT+7]
(BNCTW) - 01 năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở. Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Ban hành Thông tư số 02/TTr-MTTW-BTT ngày 12-02-2015 quy định và hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; xây dựng và triển khai Kế hoạch số 90/KH ngày 20-5-2015 về thực hiện “Đề án tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư…”. Qua đó góp phần quan trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong giám sát, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN. Báo chí và các cơ quan truyền thông tiếp tục tham gia tích cực vào công tác PCTN với việc mở các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải thường xuyên thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN và nhất là kết quả xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc tham nhũng trong thời gian gần đây.
Thanh tra Chính phủ phát động Chương trình Nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng |
Nhằm tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia PCTN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phê duyệt, triển khai thực hiện “Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh” nhằm hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính, phi tham nhũng; khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò, trách nhiệm trong PCTN, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức liêm chính, minh bạch trong hoạt động kinh doanh để phát triển bền vững. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp công bố “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp”. Thông qua kết quả đánh giá giúp ngành Thuế có được cái nhìn toàn diện hơn về những mặt đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế, và những nhu cầu, mong muốn, đòi hỏi của doanh nghiệp.
Việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khen thưởng, bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng đã góp phần tích cực trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Năm 2015, đã có 02 cá nhân được tặng Bằng khen do lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng (UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh Bình Phước tặng). Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư Liên tịch quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng với mức thưởng tăng gấp 2 lần so với quy định trước đây. Huân chương Dũng cảm được thưởng 60 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp Bộ, tỉnh, cơ quan Trung ương được thưởng 20 lần mức lương cơ sở. Đặc biệt, đã có quy định cơ chế thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng tính theo giá trị tài sản thu hồi được trong trường hợp việc tố cáo giúp thu hồi được cho Nhà nước tài sản có giá trị lớn. Mức thưởng tối đa theo quy định là 3.000 lần mức lương cơ sở.
Việc bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng đã được triển khai trên cơ sở quy định của Luật tố cáo, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ và bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn để công dân, cán bộ, công chức, viên chức tố cáo hành vi tham nhũng. Qua tổng hợp báo cáo của 49 tỉnh, thành phố, 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, thuộc Chính phủ cho thấy, từ 20-11-2012 đến 20-02-2015, có 788 người tố cáo (trong đó có 106 người tố cáo hành vi tham nhũng) được bảo vệ bí mật thông tin; 01 người tố cáo hành vi tham nhũng được bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe; 95 người tố cáo (trong đó có 01 người tố cáo hành vi tham nhũng) được bảo vệ tài sản; 266 người tố cáo (trong đó có 20 người tố cáo hành vi tham nhũng) được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác; 99 người tố cáo (trong đó có 01 người tố cáo hành vi tham nhũng) được bảo vệ vị trí công tác, việc làm. Có 01 trường hợp người tố cáo đã bị trả thù; 01 trường hợp bị xử lý kỷ luật hành chính do trả thù người tố cáo; 03 trường họp người tố cáo có dấu hiệu bị trả thù đang được xem xét để kết luận.
Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ (công bố tháng 8/2015) cho thấy tỷ lệ người dân sẵn sàng tố cáo khi biết về hành vi tham nhũng là 77,6%, tăng nhiều so với kết quả 42,9% khảo sát năm 2012. Niềm tin của người dân, công chức đối với người có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo đã được cải thiện đáng kể. Trong số những người không sẵn sàng tố cáo tham nhũng thì nguyên nhân họ không tin tưởng ở người có thẩm quyền giải quyết, sợ bị trả thù, trù dập, không được khen thưởng xứng đáng đều giảm so với trước, về lý do không tin tưởng ở người có thẩm quyền giải quyết: Người dân: 47% (năm 2012 là 63,9%) Công chức: 27% (năm 2012 là 69,3%). Về lý do sợ bị trả thù, trù dập: Người dân là 47% (năm 2012 là 62%); công chức là 36% (năm 2012 là 58,9%). Về lý do khen thưởng không xứng đáng: Người dân là 17% (năm 2012 là 20,4%), công chức là 8% (năm 2012 là 30,1%).
Qua đánh giá, tổng hợp kết quả sau hơn 2 năm thực hiện quy định của Chính phủ về bảo vệ người tố cáo cho thấy, các quy định hiện hành về bảo vệ người tố cáo tương đối toàn diện; trình tự thủ tục khá rõ ràng; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin của người tố cáo vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, do cơ quan, tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo gồm nhiều bộ phận khác nhau và thường có mối quan hệ cộng tác với người bị tố cáo nên dễ lộ thông tin; mặt khác, người tố cáo thường gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau nên khó đảm bảo bí mật thông tin. Ngoài ra, còn có tình trạng một số trường hợp cơ quan báo chí cũng đăng tải công khai tên người tố cáo hoặc cơ quan giải quyết tố cáo không tuân thủ quy trình giải quyết nên vô ý làm lộ tên người tố cáo…
Hợp tác quốc tế về PCTN tiếp tục được tăng cường thực hiện, nhất là việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các thỏa thuận hợp tác trong khu vực. Việc nghiên cứu Công ước và đề xuất nội luật hóa quy định của Công ước được chú trọng trong quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Chuyên gia của Việt Nam đã tiến hành đánh giá việc thực thi Công ước đối với Trung Quốc; cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tiến hành điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc và thu hồi tài sản có liên quan đến nước ngoài. Thanh tra Chính phủ đã triển khai Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng tại nhiều nơi trong cả nước. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN đã góp phần nâng cao vị thế, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong PCTN, đồng thời qua đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt của quốc tế trong lĩnh vực PCTN.
Hoài Bắc
;