Ninh Bình: Tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 58 đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng

Chủ Nhật, 06/09/2015, 14:27 [GMT+7]

01 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được duy trì thực hiện có hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công khai, minh bạch các hoạt động gắn với cải cách thủ tục hành chính; tập trung công khai ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: đầu tư công, quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, chính sách, xã hội...; tăng cường phân cấp quản lý cho các cấp, các ngành; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế. Qua đó, các hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày càng được công khai minh bạch, hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường có hiệu quả.

Một Hội nghị triển khai công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình
Một Hội nghị triển khai công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình

UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành ngân sách 2015. Theo đó, việc xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ phải đảm bảo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức, đúng đối tượng, công bằng, dân chủ, tiết kiệm, không sử dụng vượt định mức tiêu chuẩn, sử dụng tài sản công trái quy định.

Thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thực hiện tốt Quyết định số 471/2007/QĐ-UBND ngày 14-02-2007 của UBND tỉnh về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi. Kết quả, từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 103 lượt cán bộ, công chức.

Đã có 59/59 cơ quan, đơn vị, tổ chức báo cáo về việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, số người thuộc diện kê khai năm 2014 là 7.372 người và 7.369 người đã thực hiện kê khai, đạt tỷ lệ 99,95 %. Đã thực hiện công khai bản kê khai theo hình thức niêm yết với 2.432 bản, đạt tỷ lệ 33%; công khai theo hình thức công bố trong cuộc họp 4.937 bản, đạt tỷ lệ 67 %. Chưa có trường hợp nào phải tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính; áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 10-3-2014 về kế hoạch triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014, Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 31-12-2014 về cải cách hành chính năm 2015. Trên cơ sở đó các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện tài chính công, rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, ban hành thủ tục mới đáp ứng tình hình thực tiễn. Các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp các cơ, quan đơn vị được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đăng tải trên trang thông tin điện tử và được kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Duy trì hoạt động cơ chế một cửa, một cửa liên thông của 17/17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 08/08 đơn vị hành chính cấp huyện, 145/145 đơn vị cấp xã. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước như lập trang thông tin điện tử (Website), khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mền quản lý văn bản (Office), tăng cường sử dụng mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet để xử lý công việc.

Toàn tỉnh có 902 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp với 31.254 người hưởng lương từ ngân sách. Đến nay có 657/902 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản (đạt 72,8%), với 22.499/31.254 người được trả lương qua tài khoản (đạt 71,9%), đã lắp đặt được 83 máy ATM. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản, các ngân hàng tăng cường lắp đặt máy ATM tại những địa điểm trung tâm xã.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các trường Trung học phổ thông (THPT) triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân cấp THPT. Nội dung giảng dạy thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tích hợp, lồng ghép vào chương trình môn Giáo dục công dân với thời lượng 6 tiết (được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12). Đã chỉ đạo 5/5 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp thực hiện giảng dạy. Số học sinh được tiếp thu nội dung phòng, chống tham nhũng trong năm học 2014-2015 là 2.882 học sinh.

Cũng trong năm qua, Ủy ban Kiểm tra các cấp tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra 359 tổ chức Đảng cấp dưới và 589 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận 578 đảng viên và 358 tổ chức đảng được kiểm tra có vi phạm. Các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 01 tổ chức đảng và thi hành kỷ luật đối với 142 đảng viên (trong đó khiển trách 96; cảnh cáo 22; cách chức 02; khai trừ 22). Các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đều được tổ chức kiểm điểm nghiêm túc.

Ngành thanh tra đã tiến hành 288 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra phát hiện sai phạm 189.899 triệu đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 40.308 triệu đồng, kiến nghị khác 149.591 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.095 triệu đồng (đã thu hồi 23.263/40.308 triệu đồng, đạt 57,7%), chuyển hồ sơ 01 vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 58 đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm tra cho thấy: việc công khai minh bạch hoạt động còn có đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc; công khai, báo cáo công khai quản lý tài chính, xây dựng cơ bản chưa đầy đủ, còn vi phạm trong thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; việc chuyển đổi vị trí cán bộ, công chức còn có đơn vị chưa thực hiện; thực hiện kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập còn sai, sót đối tượng; chế độ thông tin báo cáo về phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ và kịp thời. Đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 168,4 triệu đồng, kiến nghị giảm trừ dự toán, tạm ứng 6.530,4 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 1.542,6 triệu đồng, kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân yêu cầu đơn vị khắc phục tồn tại.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phục hồi và tiếp tục điều tra 01 vụ án với 02 bị can về tội Tham ô tài sản xảy ra năm 1996 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nho Quan với số tiền bị chiếm đoạt là 629 triệu đồng.  Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án Nguyễn Viết Hòa (cán bộ thuộc phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự. Tòa án nhân dân tỉnh đã tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án Nguyễn Viết Hòa, xử phạt 20 năm tù và buộc bị cáo phải trả lại số tiền 1.750 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Ninh Bình còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, chưa chủ động nắm tình hình, phát hiện hành vi tham nhũng. Chưa phát huy hết vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị. Công tác quản lý và sử dụng đất, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, hạn chế, vẫn còn để xảy ra sai phạm. Việc tuyên truyền về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng chưa kịp thời, nhất là việc công bố kết quả xử lý đối tượng tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trung Kiên

;
.