Hướng dẫn xây dựng mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 06/07/2015, 14:49 [GMT+7]

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”, sau 02 năm (2013, 2014) triển khai thí điểm mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ở một số tỉnh, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Tại những điểm chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng của người dân được nâng cao.

Để phát huy kết quả đạt được, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2015 tiếp tục tổ chức xây dựng mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tập huấn một số văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tập huấn một số văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Theo đó, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khảo sát, lựa chọn ít nhất 02 điểm chỉ đạo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng: 01 cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và 01 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Hướng dẫn và hỗ trợ xã, phường, thị trấn làm điểm (thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan như Nhà văn hóa, đội thông tin cấp huyện…) thực hiện các hoạt động: xây dựng pa-nô, áp-phích tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đặt tại điểm công cộng trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Tổ chức in và cấp miễn phí các tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để giúp người dân đến giải quyết công việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân được đọc, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật phòng, chống tham nhũng hoặc cung cấp cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố… sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.

Phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; câu chuyện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; gương điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.  Tổ chức các buổi thông tin lưu động phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, nhân dân tại địa bàn dân cư.

Đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ cơ quan, tổ chức làm điểm thực hiện các công việc: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, quán triệt nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức; trao đổi, thảo luận về các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị. Tại buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kết hợp trình chiếu một số tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc, xây dựng các biểu, bảng chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể về thủ tục hành chính; tổ chức đường dây nóng (bằng điện thoại và email); bố trí cán bộ thường trực để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc.

Xây dựng panô, áp phích tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại trụ sở cơ quan, tổ chức; tổ chức in và cấp miễn phí tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc tại trụ sở cơ quan, tổ chức.

Tuấn Nghĩa

(Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
.