Phú Thọ: 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 13/08/2014, 09:52 [GMT+7]
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến năm 2016, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. 
Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2014)
Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2014)
Theo đó, UBND tỉnh xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: tập trung giáo dục pháp luật về nghĩa vụ, quyền, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; giáo dục pháp luật về văn hoá giao tiếp nơi công sở, văn hoá giao tiếp với nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân. Tổ chức thông tin về các vụ việc tham nhũng đã xảy ra trên địa bàn được dư luận xã hội quan tâm, quá trình và kết quả xử lý, việc vận dụng pháp luật trong quá trình xử lý.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp thực hiện mô hình điểm tại 01 cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động cụ thể của mô hình điểm gồm: tổ chức nói chuyện chuyên đề về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, tổ chức. Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc; bảng nội quy, quy chế cơ quan; tổ chức đường dây nóng (bằng điện thoại và email), bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân; phát phiếu khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công do cơ quan cung cấp. Xây dựng panô, áp phích, tranh ảnh cổ động, phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến giải quyết công việc tại trụ sở cơ quan, tổ chức.
UBND tỉnh giao UBND thành phố Việt Trì lựa chọn một phường thực hiện mô hình điểm với các hoạt động cụ thể như sau: tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho “nhóm nòng cốt” tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, đối thoại về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo tại địa bàn dân cư (có thể lồng ghép trong các cuộc họp thôn, tổ dân phố). Xây dựng panô, áp phích về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn cấp xã; phát hành tờ rơi, tờ gấp. Tổ chức các buổi thông tin lưu động, chiếu tiểu phẩm, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Từ năm 2014 đến hết năm 2016, mỗi năm tổ chức một đợt bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật.
Về tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND tỉnh yêu cầu  xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ. Tăng số lượng tin, bài tuyên truyền bảo đảm cập nhật, thông tin thường xuyên theo tuần, tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài Truyền thanh các huyện, thành, thị, Đài truyền thanh cấp xã và Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị.
Quý Trọng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)
;
.