Bình Thuận: Tăng cường công tác giám sát, chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật

Thứ Ba, 05/08/2014, 15:38 [GMT+7]
Thời gian qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh Bình Thuận có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là sau Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 45-KH/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Chỉ thị số 27 và 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 02-2014. 
Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận
Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận
Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua chưa đạt như mong muốn và chưa căn bản. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa sâu, kỹ, kể cả trong cán bộ công chức nắm quy định chưa chắc. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đầy đủ; công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị tuy có làm nhưng vẫn còn là khâu yếu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và sở, ngành chưa triển khai sâu, kỹ và thực hiện đầy đủ từng nội dung đã nêu trong Kế hoạch 45-KH/TU của Tỉnh uỷ và các Chỉ thị số 27, 30, 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; ý thức chấp hành sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc báo cáo kết quả tự kiểm tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình có nơi chưa tốt. Còn không ít chi, đảng bộ cơ sở chưa đưa nội dung kiểm điểm, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thành một mục riêng trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, hoặc có đưa vào nhưng nội dung còn chung chung và còn lúng túng. Tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy tốt; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nhiều nơi còn hình thức. Tổ chức đảng và Mặt trận, đoàn thể ở nhiều nơi chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân dựa vào đó để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên thực tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí giảm chưa nhiều, lãng phí trong sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều. Tham nhũng “vặt” đang có xu hướng gia tăng, đối tượng ở cấp xã vi phạm ngày càng nhiều hơn, đáng lưu ý là hành vi chiếm đoạt, chiếm dụng các nguồn vốn, quỹ của các Hội, đoàn thể ở một số đơn vị, địa phương, gây bức xúc trong xã hội. Một số vụ việc phát hiện và xử lý còn chậm, tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng chưa cao.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo và thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở đơn vị, địa phương mình; khẩn trương khắc phục có kết quả những hạn chế trong thời gian qua, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai hoặc triển khai nhưng hiệu quả còn thấp.
Tiếp tục thực hiện tốt Thông báo số 369-TB/TU, ngày 27/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 45-KH/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Chỉ thị số 27 và 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.
Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các hành vi tham nhũng. Nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm công tác thanh tra, điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp ủy đảng; đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt việc định kỳ nghe và cho ý kiến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả.
Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và vi phạm các Chỉ thị 27, 30, 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp cần kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng; có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm.
Từng cấp ủy đảng, từng ngành cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các đoàn thể, hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Vũ Lan
(Báo Nhân dân)
;
.