Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng
(BNCTW) - Ngày 5-5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN. Tham dự Hội nghị gồm: các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Bí thư đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương; Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế Nhà nước; Tổng Công ty 91; một số Ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; Chánh Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức có liên quan. Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhấn mạnh: Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác PCTN kể từ khi tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, lập lại Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy để tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị và năng lực thực tiễn chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn xã hội. Đồng chí đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp trí tuệ, tham mưu, hiến kế, cho ý kiến đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, đặc biệt là làm rõ, đánh giá sát thực những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nêu các kiến nghị, đề xuất sát thực, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Báo cáo tình hình kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày đã nêu rõ: Từ năm 2013 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực:
- Các cấp ủy đảng; các bộ, ban, ngành, tỉnh ủy, thành ủy đã quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình theo chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng bước đầu đã hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
- Công tác kê khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ cao (97,9%); trong năm 2012 có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai; 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt tỷ lệ 98,6%); có 376.197 người đã công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 09 Tổ kiểm tra tại 56 đơn vị thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
- Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức 07 Đoàn công tác liên ngành do 07 đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và 11 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (trong đó trực tiếp kiểm tra, giám sát trực tiếp tại 70 cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ngành và địa phương) trong việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Toàn cảnh Hội nghị |
- Năm 2013, ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện, kiến nghị thu hồi cho ngân sách 25.225 tỷ đồng, 3.653 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 7.850 tỷ đồng, 428 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc/75 người... Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151/151 cuộc kiểm toán, phát hành 150/151 báo cáo kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng, trong đó: khoản tăng thu 4.047 tỷ đồng; khoản giảm chi hơn 5.069 tỷ đồng; khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm hơn 2.623 tỷ đồng; khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách Nhà nước hơn 10.015 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 1.065 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 72 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; chuyển 06 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp 13 hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật. Năm 2013, đã khởi tố 275 vụ/601 bị can về các tội danh tham nhũng; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can về các tội tham nhũng; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về tội tham nhũng. Trong đó, đáng chú ý là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử 05/08 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với mức án đủ nghiêm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác PCTN trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh những kết quả trên, Báo cáo cũng nêu lên những hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong PCTN; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, chưa triệt để...; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị PCTN chưa đáp ứng yêu cầu (lực lượng còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao); một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh về tham nhũng vẫn còn xảy ra; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng còn chưa kịp thời, mức khen thưởng thấp, do vậy chưa động viên, khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng.
Về phương hướng, nhiệm vụ, Báo cáo đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới về công tác PCTN.
Tại Hội nghị, các Đại biểu đã nghe các tham luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Đắk Lắk về những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những kiến nghị, giải pháp trong công tác PCTN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khẳng định: Công tác PCTN đã được triển khai đồng bộ, có chuyển biến tích cực, rõ nét trong thời gian qua là do có sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của các tổ chức cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân. Thể chế về PCTN tiếp tục được hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử các vụ án vụ việc được tăng cường, công tác phòng ngừa có chuyển biến tích cực. Sau hơn một năm tái lập, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; vai trò của Ban Nội chính Trung ương từng bước được khẳng định. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi bổ sung ban hành mới nhằm từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật trên nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân; công tác hoàn thiện thể chế về PCTN vẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu; cán bộ công chức, viên chức, nhân dân tố cáo tham nhũng còn ít, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cũng như tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa cao; nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc phát hiện, xử lý các vụ án vụ việc tham nhũng nhiều lúc còn chưa chặt chẽ; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp; tình hình tham nhũng còn xảy ra ở nhiều ngành nhiều cấp, nhiều lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và đầu tư công, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư lưu ý một số vấn đề cụ thể sau đây: (1) Tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng; (2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động; (3) Đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; (4) Nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn; (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng, của hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm.
Với ý chí quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân. /.
Đặng Phước