Công tác phòng, chống tham nhũng đạt những kết quả đáng khích lệ

Thứ Tư, 07/05/2014, 10:15 [GMT+7]
Ngày 5-5, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (PCTN), đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định công tác PCTN từ năm 2013 đến nay đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác PCTN
Trong năm 2013, Bộ Chính trị đã thành lập 18 Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2013/QH13 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng, trình Đề án “Tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước”, trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03-01-2014 về vấn đề này; Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) thành lập 07 Đoàn công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. 
Nhiều bộ, ban, ngành, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị về công tác PCTN; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; thành lập, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Các địa phương đã ban hành 2.042 văn bản để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN; tiến hành 2.211 cuộc giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN
Các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp trên và cấp mình thực hiện có hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tập trung vào việc quán triệt, phổ biến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được thực hiện; với 69.365 lớp, cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN được tổ chức và hơn 3,7 triệu lượt người tham gia. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương có nhiều tin, bài phản ánh về công tác PCTN. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân đối với công tác PCTN. 
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN 
Theo thống kê, trong năm 2013, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 18 văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về PCTN. Các bộ, ngành Trung ương như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam v.v... quan tâm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao nhằm PCTN.
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Từ năm 2013 đến nay, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức; xây dựng tiêu chí về tiêu chuẩn đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng bước đầu phát huy được hiệu quả như: Công khai trong việc mua sắm tài sản công, đấu thầu, tiêu chí bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước hạn chế cơ chế “xin - cho” là môi trường dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. 
Một số bộ, ngành, địa phương có cách làm hay trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Bộ Công an ban hành Kế hoạch luân chuyển lãnh đạo, chỉ huy kết hợp với bố trí Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia; các đơn vị của Kho bạc Nhà nước trên toàn quốc đã vận hành hệ thống thông tin tích hợp quản lý ngân sách - kho bạc (TABMIS); Bộ Thông tin và Truyền thông thử nghiệm cấp phép online đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bưu chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đấu thầu qua mạng, giúp cho các thông tin đấu thầu được công khai, minh bạch; Bộ Công Thương triển khai kết nối thử nghiệm hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ với hệ thống một cửa quốc gia; Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và triển khai quy chế quản lý và sử dụng phần mềm quản lý thông tin, nhật ký kiểm toán; ngành Thuế đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thuế qua mạng thông tin điện tử; nhiều bộ, ngành, địa phương (như: Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thái Bình, tỉnh Hà Nam v.v...) tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị về việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính - 2013”; tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và thành lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện; tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cán bộ dự kiến được bổ nhiệm phải trình bày đề án công tác trước khi được xem xét bổ nhiệm; tỉnh Phú Thọ chỉ đạo nắm tình hình nợ xấu tại 12 Ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm phòng ngừa tham nhũng v.v... 
đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày  Báo cáo công tác PCTN tại Hội nghị
Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chú trọng đôn đốc, kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Thanh tra Chính phủ đã tập trung đánh giá một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng mà qua khảo sát thấy hiệu quả thấp. Theo báo cáo của 30 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 60 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động tại 3.605 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 118 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm; tiến hành hơn 4.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 188 vụ việc vi phạm; tiến hành 4.392 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm tại 70 cơ quan, tổ chức, đơn vị; rà soát, ban hành mới 2.719 văn bản, sửa đổi, bổ sung 1.962 văn bản và huỷ bỏ 209 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác 32.427 cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm 69 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng. 
Về minh bạch tài sản, thu nhập: Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong năm 2012 có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt tỷ lệ 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt tỷ lệ 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 03 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai. Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 09 Tổ kiểm tra tại 56 đơn vị thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013.
Công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng 
Với quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, ngay sau khi ổn định tổ chức, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tập trung chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; trong đó tập trung chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra từ trước năm 2013 mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 
Trong năm 2013, cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, qua đó, đã thi hành kỷ luật 187 trường hợp đảng viên vi phạm. Ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151/151 cuộc kiểm toán, phát hành 150/151 báo cáo kiểm toán; qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 31 cá nhân; chuyển 06 vụ việc sang cơ quan điều tra, thanh tra; cung cấp 13 hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan có thẩm quyền. 
Đáng chú ý là trong năm 2013, có 24 bộ, ngành, địa phương báo cáo đã tự phát hiện tham nhũng qua kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngay từ đầu năm 2013, trước tình hình các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng là một nhiệm vụ công tác trọng tâm để tập trung chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực, quyết liệt của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đã tạo khí thế và chuyển biến tương đối rõ nét trong lĩnh vực công tác này, có tác dụng tích cực, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Trong năm 2013, Cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ/601 bị can; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng từng bước được đẩy mạnh. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án tham nhũng và công tác xét xử các vụ án tham nhũng bảo đảm nghiêm minh đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử 05/08 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với mức án đủ nghiêm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác PCTN trong tình hình hiện nay.
Kiện toàn tổ chức, hoạt động của một số cơ quan có chức năng PCTN   
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), Bộ Chính trị đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban. Ngay sau khi được tổ chức lại, Ban Chỉ đạo đã sớm triển khai những công việc cần thiết để ổn định về tổ chức, nhanh chóng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Để tạo chuyển biến trong công tác PCTN, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn khâu trọng tâm đột phá là tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; thành lập các Đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Hầu hết các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã quan tâm, có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ PCTN thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực, bộ, ngành do mình trực tiếp quản lý, phụ trách; thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN theo sự phân công của Ban Chỉ đạo.
Ngay sau khi Bộ Chính trị có Quyết định thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương triển khai những công việc cần thiết để sớm ổn định tổ chức và hoạt động; tích cực thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; chủ động chuẩn bị nội dung, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó, chú trọng giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương từng bước được khẳng định, dư luận xã hội đánh giá tích cực. 
Thực hiện Quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, tổ chức, biên chế của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã cơ bản ổn định và triển khai một số hoạt động bước đầu trong việc tham mưu, giúp ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN. Một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN của địa phương; được cấp ủy và các cơ quan trong khối nội chính địa phương tin cậy, đánh giá tốt.
Những kết quả trên thể hiện quyết tâm cũng như khả năng PCTN của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là những tiền đề tích cực, có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác PCTN thời gian tới.
P.V
;
.