An Giang: Nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 18/03/2014, 10:38 [GMT+7]
(BNCTW) - Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp ủy đảng của tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, phức tạp; phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng có chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Một Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang |
Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động (tháng 6-2013) nhưng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang đã chủ động tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý kịp thời nhiều vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện và phòng, chống tham nhũng, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Theo đó, đã thẩm tra 8 vụ việc và tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, xử lý, giải quyết đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho tổ chức và công dân. Đặc biệt, đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy sớm đưa vụ án vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai tại thành phố Long Xuyên ra xét xử, xử lý và khắc phục hậu quả. Đồng thời, tham mưu xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy…
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng đã được triển khai, nhất là tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường đổi mới phương thức kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Qua đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp kịp thời kết luận về ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; chỉ ra những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có khuyết điểm chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục; xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm hoặc có liên quan đến tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan. Đồng thời, kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, năm 2014 và thời gian tiếp theo, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại và tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu của quản lý có nguy cơ xảy ra tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát do tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.
Cấp ủy các cấp cần có nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp mình. Tập trung thực hiện tốt việc giám sát các tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên để nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha để uốn nắn, nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa vi phạm. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tài chính Đảng đối với cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra tham nhũng.
Trần Hoàng Kiếm
;