Đồng Tháp: Tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, công chức và mỗi công dân về PCTN, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trong năm 2014 như sau:
Thứ nhất, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012-2016. Giáo dục chính trị, tư tương, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2013, tại điểm cầu Đồng Tháp |
Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN. Rà soát các văn bản do ngành, địa phương đã ban hành, loại bỏ những nội dung, quy định chồng chéo, phức tạp tạo điều kiện nhũng nhiễu. Thường xuyên kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu báo Đồng Tháp, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục tuyên truyền về công tác kiểm tra giám sát của nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật về PCTN của các cơ quan tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ qua các giải pháp như: thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập, nhất là tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi không thực thi đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong công tác PCTN hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, trọng tâm là công khai thủ tục hành hình, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Cụ thể, cần kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo về tham nhũng, điều tra phát hiện và xử lý tham nhũng. Chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa trong đó phát động phong trào quần chúng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phát hiện tố giác tội phạm tham nhũng để xử lý kịp thời, đồng thời nâng cao biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh các vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; thu chi ngân sách; quản lý tài sản công; quản lý thuế, đầu tư, xây dựng cơ bản, giao thông, tín dụng – ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ; các đơn vị, tổ chức kinh tế.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng. Xử lý kiên quyết, kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản chống tham nhũng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN thông qua việc tạo điều kiện để HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát đối với công tác PCTN ở địa phương, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN. Cần phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trong PCTN, để phát hiện hành vi tham nhũng, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, chế độ khen thưởng, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng… Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua tiếp tục việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức…
Hải Yến