Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam

Thứ Năm, 12/12/2013, 09:04 [GMT+7]

(BNCTW) - Sáng nay (12/12), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (gọi tắt là Vinalines). Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh, kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử theo ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng

Đây là phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, không chỉ về tính chất, mức độ và hậu quả nghiêm trọng của từng bị cáo gây ra với số tiền tham ô rất lớn 28.198.379.058 đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng mà còn thể hiện ở hành vi liều lĩnh, coi thường pháp luật của Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm, được thể hiện như sau:

Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa bổ sung Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, nhưng ngày 24/2/2006, Hội đồng quản trị Vinalines vẫn ra Nghị quyết số 161/NQ-HĐQT giao cho Tổng Giám đốc Công ty Vinalines triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Là một  Tổng Giám đốc, Dương Chí Dũng quá hiểu việc đầu tư dự án trên 1.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn kí Quyết định số 687/QĐ-HĐQT ngày 27/6/2007 “Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt 01 ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn”

Cáo trạng của VKSNDTC nêu rõ: Trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008 Vinalines tiến hành tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore. Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc, Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc, Bùi Thị Bích Loan, Kế toán trưởng, Mai Văn Khang, thành viên Ban quản lý dự án Vinalines, Trần Hải Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái: khoản 7, Điều 3, Luật Đầu tư năm 2005; Điều 22, Điều 58 Luật Đầu thầu năm 2005; khoản 3, Điều 20, Điều 54 Luật Kế toán năm 2003; Điều 11 Bộ Luật Hàng Hải năm 2005; Khoản 2 Điều 50 Luật Thương Mại năm 2005; khoản 1 Điều 10 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình; Điều 8, Điều 22 và Điều 23 Nghi định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ quy định về điều khiển nhập khẩu tàu biển; Điều 37 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu; khoản 2 Điều 1 Nghị định số 112/2006 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định số 288/QĐKĐ ngày 23/10/2006 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy định về Hướng dẫn kiểm tra giám định B-10; Quyết định số 874/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2006 của Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính quy định về quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng. Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9.000.000 USD cho Công ty AP. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều tham ô 28.198.379.058 đồng là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP - Singapore chuyển lại Việt Nam.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử đối với các bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ Luật Hình sự: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ Luật Hình sự: Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Dự kiến, phiên tòa xét xử diễn ra trong 3 ngày, từ 12 - 14/12/2013.

Kim Chi
(Ban Nội Chính Trung ương)

                                        

;
.