Ngày đầu tiên phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm

Thứ Năm, 12/12/2013, 15:28 [GMT+7]

Sáng 12-12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (gọi tắt là Vinalines). Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Ngô Thị Ánh làm chủ tọa.

Hội đồng xét xử
Hội đồng xét xử

10 bị cáo trong vụ án này gồm Dương Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải) cùng 9 đồng phạm: Mai Văn Phúc (Tổng Giám đốc), Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc), Bùi Thị Bích Loan (Kế toán trưởng), Mai Văn Khang (thành viên Ban quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 – Bộ luật Hình sự. Riêng 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – Bộ luật Hình sự. Ngoại trừ bị cáo Mai Văn Khang được tại ngoại, 9 bị cáo còn lại đều bị tạm giam.

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm trước vành móng ngựa
Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm trước vành móng ngựa

13 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo có mặt tại phiên tòa. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư tham gia bào chữa, gồm: Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng và Trần Đình Triển. Bị cáo Trần Hữu Chiều không mời luật sư bào chữa. Tuy nhiên, do bị cáo Chiều bị truy tố tại điều khoản có mức cao nhất của khung hình phạt lên đến mức án tử hình nên Tòa đã đề nghị Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cử luật sư bào chữa cho bị cáo Chiều. Đoàn Luật sư Hà Nội đã chỉ định luật sư Nguyễn Đình Khỏe tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trần Hữu Chiều tại phiên tòa.

Có mặt tại Tòa còn có 5 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 7 người làm chứng và đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Citibank…

Hai kiểm sát viên là ông Nguyễn Trí Dũng và Trương Tuấn Hưng đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố trước Tòa.

Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, kiểm sát viên đã công bố bản cáo trạng truy tố nêu rõ: Trong thời gian từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP – Singapore , Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng. Trong vụ mua bán này, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô 28.198.379.058 đồng là số tiền thanh toán mua ụ nổi 83M được Công ty AP chuyển lại Việt Nam.

Cụ thể, quá trình tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có 2 công ty gửi thư chào bán, gồm: Công ty AP - Singapore chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M; Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư. Khi tổ chức khảo sát, Vinalines không khảo sát ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán. Để kiểm tra và xác nhận trạng thái kỹ thuật, ngày 27/7/2007, Phúc đã ký quyết định thành lập đoàn khảo sát gồm: Chiều, Khang, Sơn, Dương và một phiên dịch tiếng Nga cùng tiến hành khảo sát trình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại cảng Nakhodka, Liên bang Nga. Từ ngày 2-5/8/2007, đoàn khảo sát với những thành phần trên không tiến hành làm việc với đại diện Nhà máy Nakhodka mà chỉ tiếp xúc, giao dịch với Giám đốc Công ty AP. Qua khảo sát, các thành viên đều biết chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka; Công ty AP chỉ là nhà môi giới; ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD. Khi về Việt Nam, Chiều và Sơn trực tiếp đến gặp Dũng và Phúc để báo cáo các thông tin trên, nhưng Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo: “Phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP – Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Dũng và Phúc, Chiều và Sơn đã gặp Dương đề nghị giúp Vinalines hợp thức thủ tục mua ụ nổi 83M. Do vậy, Dương đã lập Biên bản kiểm tra giám định có nội dung không đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi, không ghi rõ ụ nổi ở trạng thái xấu, không hoạt động được. Trên cơ sở Biên bản kiểm tra giám định này, Chiều yêu cầu Sơn và Khang lập Báo cáo kế quả khảo sát gửi Dũng và Phúc, trong đó có nội dung: “Nhà máy đang sửa chữa một con tàu, đoàn chứng kiến việc ụ hạ thủy, nổi lên… ụ nổi ở trạng thái hoạt động bình thường; Công ty AP – Singapore là người bán ụ…”, đồng thời không phản ánh việc Công ty Nakhodka chào bán ụ 83M với giá dưới 5 triệu USD.

Trong vụ án này, điều nghiêm trọng là tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka là dưới 5 triệu USD, nhưng ngày 15/2/2008, Dũng vẫn ký Quyết định số 186/QĐ-HĐQT phê duyệt điều chỉnh phương thức đầu tư dự án mua ụ nổi 83M của Công ty AP – Singapore với giá mua là 9 triệu USD. Đáng lưu ý, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M giá 9 triệu USD với Công ty AP thì ngày 28/2/2008, Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng số 01-08 mua bán ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.

Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, trong vụ án này, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cá nhân bị cáo Dũng được Viện Kiểm sát xác định là đã tham ô 10 tỷ đồng của Nhà nước.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng vào phòng xét xử
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng vào phòng xét xử

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Dương Chí Dũng cho biết bị cáo làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinalines từ tháng 1-2007. Chủ trương dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được Vinalines tiến hành từ năm 2006. Khi đó, với tư cách là Tổng giám đốc Vinalines, bị cáo đã cùng Mai Văn Phúc lập dự án và trình hội đồng quản trị của Vinalines. Bị cáo cho biết thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam thuộc hội đồng quản trị mà không phải xin ý kiến của bất cứ ai.

HĐXX hỏi: “Dự án này sử dụng vốn nhà nước thì có phải báo cáo không?”. Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Dũng thừa nhận: “Có báo cáo Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải”.

Sau đó, bị cáo Dũng thừa nhận với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị, đã chỉ đạo Vinalines tiến hành các thủ tục thành lập nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam khi chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. “Khi đó hội đồng quản trị hiểu là đã được thành lập nhà máy rồi. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới biết như vậy là sai”, bị cáo Dũng khai.

Cáo trạng truy tố bị cáo Dũng biết ụ nổi đã hư hỏng nặng vẫn chỉ đạo mua về bằng mọi giá nhưng trả lời hội đồng xét xử về trách nhiệm của mình trong việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng cho biết đã căn cứ vào nghị quyết của hội đồng quản trị để giao mọi việc liên quan đến việc mua ụ nổi cho Mai Văn Phúc mà không có bất cứ chỉ đạo nào sau đó. “Từ tờ trình duy nhất của Mai Văn Phúc, bị cáo mới biết công ty dự định mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD của công ty AP (Singapore) mà không biết công ty của Nga cũng chào bán. Cấp dưới chỉ báo cáo lên là ụ nổi chỉ có một số hư hỏng nhỏ phải sửa chữa”, bị cáo Dũng khai.

Liên quan đến vụ mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 và đã ngừng hoạt động vào năm 2006, bị cáo Dương Chí Dũng khai rằng vì tất cả Hội đồng quản trị của Vinalines khi đó đều cho rằng ụ nổi 83M chỉ là một thiết bị dùng trong quá trình sửa chữa tàu chứ không phải là một con tàu nên không để ý đến năm sản xuất theo quy định của Nhà nước. Bị cáo Dũng nói: Về hồ sơ của ụ nổi này, khi đó Dũng đã giao cho Chánh Văn phòng đọc kỹ hồ sơ và đánh dấu những chỗ còn chưa ổn. Sau đó, Chánh Văn phòng có đánh dấu vào một số chỗ và Dũng đã đem các vấn đề đó ra trước cuộc họp để hỏi. “Tôi chân thành nói rằng, thực sự chúng tôi không nghĩ là tàu nên mới không quan tâm đến tuổi”- bị cáo Dũng nhấn mạnh.

Quá trình mua thiết bị này, Vinalines đã hai lần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lần thứ nhất là khi chi phí di chuyển ụ nổi phát sinh do không chọn phương án lai dắt về Việt Nam mà sử dụng phương pháp chở về bằng một phương tiện khác. Lần phát sinh này đã đưa mức chi phí lên con số 19,5 triệu USD. Tiếp đó, quá trình sửa chữa, chi phí phát sinh thêm 7 triệu USD nữa, nâng tổng mức đầu tư thành 26,5 triệu USD.

Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về lý do tại sao không lai dắt ụ nổi từ bên Nga về Việt Nam, bị cáo Dương Chí Dũng khai nguyên nhân không lai dắt trực tiếp là do thời tiết xấu và mặt biển bị đóng băng ở nhiều điểm. Thêm nữa, việc 2 ụ nổi của Vinashin được lai dắt về Việt Nam trước đó đã bị chìm khiến Hội đồng quản trị của Vinalines quyết định chọn phương án an toàn hơn nhưng cũng tốn kém hơn.

Trước câu hỏi của chủ tọa về việc Vinalines chọn phương án chở về bằng một phương tiện khác chứ không phải lai dắt có phải là do ụ nổi không còn khả năng hoạt động hay không, bị cáo Dương Chí Dũng trả lời "không biết".

Bị cáo Dũng cũng thừa nhận quan liêu khi không vào xem trực tiếp ụ nổi, không xác định cụ thể về chi phí sản xuất… khiến cho “ném lao thì phải theo lao”, cứ hỏng bao nhiêu thì phải bỏ tiền ra sửa bấy nhiêu, làm cho tổng mức đầu tư tăng lên thành 26,5 triệu USD.

Khi được hỏi lý do tại sao bị cáo và các thành viên của Hội đồng quản trị khi đó không quyết định đóng ụ mới mà lại mua ụ nổi cũ, Bị cáo Dũng khai: Nếu đóng ụ mới thì chi phí sẽ gấp 4 lần ụ cũ và phải mất thời gian khoảng 2 - 3 năm. Trong khi đó, nếu mua ụ cũ rồi sửa mới thì có thể dùng được ngay và 3 năm sau sẽ cho lãi nên Hội đồng quản trị đã quyết định mua ụ nổi cũ.

Dù thừa nhận mối quan hệ thân thiết với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP- Singapore nhưng bị cáo Dũng cho rằng, chọn mua ụ nổi 83M từ Công ty AP - Singapore là nghị quyết của Hội đồng quản trị, chứ không phải cá nhân bị cáo có thể tự quyết; khẳng định không hề trao đổi, liên lạc điện thoại để hứa hẹn cụ thể với ông Seow trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M. Bị cáo Dũng còn khai chính mình đã đặt câu hỏi với các cán bộ trong đoàn khảo sát mua ụ nổi rằng: “Tại sao không mua ụ nổi trực tiếp từ Công ty Nakhodka của Liên bang Nga?” để cố chứng minh mình không có động cơ cá nhân.

Nói về việc bỏ trốn, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, sau khi nhận được thông tin bị khởi tố, do quá hoảng hốt nên đã bỏ trốn mà không nói với bất cứ ai trong gia đình và bạn bè. Bị cáo Dũng nói: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ là đi càng xa Hà Nội càng tốt. Bây giờ bình tĩnh lại thấy việc bỏ trốn là sai lầm, dở nhất. Tôi không chối trách nhiệm hay đổ trách nhiệm cho anh em”. Theo lời khai của bị cáo Dũng trước tòa, do còn hộ chiếu đi Mỹ nên bị cáo đã bỏ trốn sang Campuchia rồi làm thủ tục sang Mỹ. Tuy nhiên, do Việt Nam đã phát lệnh truy nã nên bị cáo không thể vào đất Mỹ, buộc phải trở lại Campuchia. Bị cáo bị bắt ngày 4-9-2013.

Ngày 13-12, phiên tòa được tiếp tục với phần xét hỏi hành vi tham ô của nhóm 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn và Chiều.

(Theo TTXVN, Tuổi trẻ)

;
.