Bến Tre: Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương đã quan tâm thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa với tinh thần trách nhiệm cao. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bến Tre có sự chuyển biến tích cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và của quần chúng nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng, Đề án cải cách hành chính, Quy chế dân chủ cơ sở và các văn bản của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức (tổ chức 9.647 cuộc với 277.936 lượt người tham dự). Đưa công tác phòng, chống tham nhũng vào nghị quyết, chương trình công tác; xác định rõ vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bến Tre |
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm triển khai thực hiện như: duy trì thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ; công khai, minh bạch trong chi tiêu, mua sắm tài sản, trang thiết bị, quy định chế độ quản lý tài chính và tài sản, trong công tác tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, nâng lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật cán bộ.... Công tác kê khai tài sản, thu nhập có chuyển biến tốt, tiến độ kê khai đảm bảo về thời gian, tổng hợp báo cáo đúng quy định.
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 880 đơn vị kê khai (trong đó: cấp tỉnh 49 đơn vị; huyện, thành phố 268 đơn vị; xã, phường, thị trấn 164 đơn vị và Trường học 399 đơn vị), với tổng số người đã kê khai là 1.263 người. Số người kê khai lần đầu trong năm là 640 người, số người kê khai bổ sung do có biến động tài sản theo mức quy định trong năm là 623 người.
Các đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch để thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi 81 cán bộ công chức.
Thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ và Công văn số 1569/UBND-NC ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trên địa bàn tỉnh Bến Tre, 100% đơn vị, địa phương đã xây dựng và tiếp tục duy trì việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.
Việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng thực hiện nghiêm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013 trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm.
Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng kinh phí, các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ gắn với việc tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, về thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng cường công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính các cấp, 100% đơn vị thực hiện đề án cải cách hành chính. Công tác kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 80 cơ quan, đơn vị đã áp dụng ISO trong quản lý hành chính và một số sở, ngành triển khai thực hiện tốt việc khai thác và sử dụng phần mềm quản lý văn bản.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, đã phát hiện 05 vụ tham nhũng xảy ra từ năm 2012 tại các địa bàn: Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại và Thành phố Bến Tre. Cơ quan điều tra đã khởi tố xử lý hình sự 03 vụ/ 05 bị can, với số tiền chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.
Ngành thanh tra đã thực hiện 71 cuộc thanh, kiểm tra; nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, quản lý sử dụng đất, xây dựng cơ bản, chấp hành chính sách pháp luật thuế và các chính sách về an sinh xã hội. Qua thanh tra phát hiện sai phạm với số tiền 5,5 tỷ đồng và 5.585m2 đất; kiến nghị thu hồi 2,7 tỷ đồng; đã thu hồi 2,2 tỷ đồng. Phần diện tích đất và số tiền còn lại, yêu cầu đơn vị xử lý, chấn chỉnh khắc phục trong công tác quản lý. Đồng thời, đề nghị kiểm điểm, xử lý đối với 13 tập thể và 28 cá nhân có liên quan.
Tuy công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn một số hạn chế như: việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên, liên tục và chưa có biện pháp sinh động. Chưa nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chưa phát huy đúng mức vai trò của các tổ chức đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, UBND tỉnh Bến Tre đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 gồm:
Đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 07 tháng 8 năm 2012 của Tỉnh ủy, về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khoá X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Các sở, ngành và địa phương thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ; duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên Báo Đồng Khởi và Đài Phát thanh - Truyền hình.
Kiểm tra đối với một số cơ quan, đơn vị về việc lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch của Thanh tra tỉnh gắn với việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu không thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Tăng cường hoạt động thanh tra ở một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: quản lý ngân sách, đất đai, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào các quy định như: Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức; việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; kê khai minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu; công tác cải cách hành chính…
Có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm và chấn chỉnh công tác quản lý, thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.
Các cơ quan tố tụng đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phát sinh. Chỉ đạo rà soát và xử lý dứt điểm những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tồn đọng; xử lý kịp thời những đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng.
P.V