Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành quy định về minh bạch tài sản, thu nhập
(BNCTW) - Từ ngày 3 - 4/10, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và Đề án Tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Hội thảo do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì với sự tham dự của đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh và Thanh tra một số tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Khánh Hòa, Cần Thơ cùng đại diện một số đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Quang cảnh Hội thảo |
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành quy định về minh bạch tài sản, thu nhập gồm 35 điều, chia thành 6 chương và 2 phụ lục, hướng dẫn chi tiết cho người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kê khai về minh bạch tài sản, thu nhập. Thông tư được xây dựng theo hướng hệ thống hóa các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó tập trung vào việc thực hiện việc kê khai, công khai, xác minh tài sản thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, xử lý vi phạm, chế độ thông tin báo cáo và tổ chức thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập đã được quy định tại các văn bản pháp luật cao hơn cần được hướng dẫn cụ thể.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập trong thời gian qua; nêu một số vấn đề chưa rõ, cần giải thích thêm của Thông tư về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, xử lý vi phạm, chế độ thông tin báo cáo...
Cũng tại Hội thảo, đại biểu đã đóng góp ý kiến Đề án Tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Đề án được xây dựng trên cơ sở bám sát các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập, chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Các đại biểu cũng đã cho ý kiến bổ sung thêm những kinh nghiệm thực tế và đề xuất một số giải pháp mang tính thực tiễn nhằm giúp cho Đề án có tính khả thi cao như: Thẩm quyền xác minh lại, việc xác minh lại phải phân cấp rõ ràng không nên ủy quyền; cần quy định cụ thể về loại tài sản vì thực tế trong loại tài sản còn có nhiều phân loại khác; nên có quy định một cơ quan quản lý đầu mối đối với số lượng bản kê khai trong một địa phương để tránh trùng lắp; cần quy định thêm đối với con đã thành niên nhưng vẫn còn chung hộ khẩu với cha mẹ vì trong thực tế người phải kê khai sẽ chuyển giao cho đối tượng này; nên đổi tên dự thảo là Thông tư liên ngành phạm vi công khai càng rộng càng tốt, đề nghị tăng lên từ 70% lên 80%. Trình tự kê khai quy định thời gian giải trình là 5 ngày làm việc đề nghị tăng thêm vì cán bộ còn phải làm nhiệm vụ chuyên môn; giá trị pháp lý của Thông tư…
Các tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được Tổ biên tập Dự thảo Thông tư và Đề án nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Vũ Hoàng Vân
(Ban Nội chính Trung ương)