Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng
Ngày 14-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an hoàn tất điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cáo truy tố cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng cùng 9 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Ông Dương Chí Dũng bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M. Khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, năm 2007, ông Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.
Cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng |
Sau đó, bị can Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, có văn bản trình và được ông Dũng ký quyết định nâng tổng mức đầu tư lên thành 6.489 tỷ đồng. Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá từ hơn 14 triệu USD lên thành 19,5 triệu USD. Trong đó, tiền mua ụ nổi 9 triệu USD, còn lại là tiền sửa chữa...
Cơ quan điều tra xác định, việc làm trên của các bị can trái với quyết định của Thủ tướng, trái Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư... gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước khoảng 366 tỷ đồng. Trong đó, ông Dương Chí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD.
Theo Cơ quan điều tra, mặc dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nặng, đã bị Đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006 nhưng các ông Dũng - Phúc vẫn chỉ đạo cấp dưới hợp thức thủ tục để ký hợp đồng mua ụ nổi trên thông qua Công ty AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Trong khi đó, ụ nổi 83M được Công ty Nakhodka (Nga) bán cho Công ty AP chỉ với giá 2,3 triệu USD.
Theo thỏa thuận, sau khi Vinalines thanh toán 9 triệu USD, Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD tiền “lại quả” cho ông Dũng cùng các đồng phạm thông qua tài khoản của Công ty Phú Hà (do bà Trần Thị Hải Hà, em gái bị can Trần Hải Sơn làm Giám đốc).
Sau đó, 3 người em của ông Sơn đã quy đổi rút, chuyển cho Sơn tổng cộng 28,1 tỷ đồng để ông này đưa cho các ông Dũng, Phúc và Trần Hữu Chiều. Cơ quan điều tra xác định, 2 ông Dũng - Phúc chiếm hưởng 10 tỷ đồng tiền tham ô, ông Sơn chiếm hưởng hơn 5,8 tỷ và Trần Hữu Chiều được chia 340 triệu đồng.
P.V