Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau

Thứ Hai, 07/10/2013, 10:20 [GMT+7]

Ngày 04-10, Đoàn công tác số 07 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, để nghe báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại tỉnh Cà Mau.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của đoàn công tác số 07, công tác phòng, chống tham nhũng được toàn Đảng bộ tỉnh Cà Mau quán triệt và xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Quá trình lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã tạo sự thống nhất giữa cấp ủy các cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện phát huy chức năng, nhiệm vụ chuyên môn độc lập của các cơ quan tố tụng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, nhất là việc xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra hành vi tham nhũng… Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn những hạn chế: sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao; công tác phối hợp của các cơ quan tư pháp từng lúc có mặt chưa tốt, dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử một số vụ tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo đề xuất của Đoàn công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo các tổ chức Đảng trong các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp chặt chẽ để giải quyết vướng mắc trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tại địa phương; quan tâm chỉ đạo việc củng cố tổ chức giám định tư pháp, đặc biệt là tăng cường và chú trọng đào tạo, bổ nhiệm giám định viên đủ về số lượng, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y…; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau khi xét xử các vụ án tham nhũng lớn, điển hình, được dư luận quan tâm; chỉ đạo các cơ quan hữu quan ban hành cơ chế để khuyến khích và bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

                                      Phan Bá

 (Ban Nội chính Trung ương)

;
.