Tọa đàm minh bạch, liêm chính trong kinh doanh

Thứ Ba, 10/09/2013, 13:19 [GMT+7]

Ngày 9-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm Minh bạch, liêm chính trong kinh doanh.

Các đại biểu đã nghe và thảo luận các vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp hiện nay và vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng; vấn đề liên quan tới minh bạch, liêm chính trong kinh doanh, các thông lệ kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ, các quy định, chính sách thương mại và kinh nghiệm quốc tế trong việc thụ lý các vụ án dân sự, hình sự và hành chính phức tạp; các vụ điều tra nội bộ và chương trình tuân thủ ở châu Âu, châu Á, Mỹ La Tinh...

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo thông tin tại Tọa đàm, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp thời gian qua ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Các hành vi tham nhũng gồm: tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn trục lợi trái quy định của pháp luật, nhận hối lộ. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho biết, theo kết quả của cuộc khảo sát gần đây do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, vẫn có những doanh nghiệp tồn tại tư duy tham nhũng bởi cho rằng đấy là con đường nhanh nhất và đơn giản nhất để thực hiện công việc của mình. Tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp hiện tồn tại ở 3 hình thức: nội bộ doanh nghiệp, doanh nghiệp - cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Ông Hùng cho rằng, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các giải pháp: tuyên truyền, động viên người lao động phòng, chống tham nhũng; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng trong nội bộ thông qua việc xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, minh bạch hoạt động; kịp thời báo cáo các hành vi tham nhũng với cơ quan chức năng; tham gia xây dựng các thể chế, chính sách pháp luật phòng, chống tham nhũng…

Theo các đại biểu, doanh nghiệp đóng vai trò rất hiệu quả trong việc đẩy lùi nạn tham nhũng. Vai trò này thể hiện bằng cách xây dựng phương thức quản trị doanh nghiệp minh bạch, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật và xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, giới truyền thông, với cơ quan Chính phủ để đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng. Qua đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên và tính minh bạch được cải thiện, giảm tham nhũng tại rất nhiều ngành nghề và khu vực kinh tế khác nhau. Từ đó, các doanh nghiệp có chiến lược phát triển và bảo đảm uy tín, chất lượng, dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Vì sự phát triển bền vững, VCCI nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp lớn đỡ khó khăn hơn bởi có nguồn lực nhất định, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp khó khăn. VCCI đã có nhiều chương trình và khóa tập huấn đối với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện những chương trình nhằm nâng cao năng lực và khả năng nhận thức của doanh nghiệp về tham nhũng.

Tại buổi tọa đàm, ông Danforth Newcomb, luật sư Hoa Kỳ cũng chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm về chống tham nhũng của Hoa Kỳ. Luật sư cho biết một số đặc điểm của một chương trình tuân thủ doanh nghiệp hiệu quả. Đó là có sự cam kết của đội ngũ lãnh đạo cao cấp và một chính sách chống tham nhũng rõ ràng, có quy tắc ứng xử với các chính sách và quy trình tuân thủ, có sự giám sát, quyền tự quyết và các nguồn lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đào tạo và tư vấn liên tục cũng như có cơ chế khuyến khích và có chế tài nghiêm khắc. Ông Danforth Newcomb cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng cơ chế tìm hiểu của bên thứ ba bởi trong nhiều trường hợp tham nhũng thông qua bên thứ ba.

T.T

;
.