Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung)
Ngày 25-9 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đại diện các ban của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các bộ, cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91; đại diện lãnh đạo Thanh tra thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Vụ Tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thông tin, truyền thông.
Đồng chí Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại Hội nghị |
Tại điểm cầu truyền hình vệ tinh có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND,UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy, đại diện lãnh đạo, sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố; doanh nghiệp nhà nước do tỉnh, thành phố thành lập; toàn thể lãnh đạo, trưởng, phó phòng, thanh tra viên chính và tương đương thuộc Thanh tra tỉnh, thành phố; đại diện thanh tra một số sở, quận, huyện, thị xã nơi gần điểm cầu truyền hình của địa phương.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã giới thiệu những điểm mới của Luật PCTN và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCTN.
Theo đó, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên nhiều lĩnh vực còn chung chung, khó thực hiện… Để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra và kịp thời thể chế hóa chỉ đạo của Đảng, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết. Trên cơ sở đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 (sau đây gọi chung là Luật phòng, chống tham nhũng) đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/2/2013. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung chính đó là: Tiếp tục mở rộng và tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là về các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao đã được nhận diện trong thời gian qua; Hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu từ các đối tượng bị tác động trực tiếp;...
Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, bao gồm: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng - sau đây gọi chung là Nghị định 59 (thay thế Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2013); Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập - sau đây gọi chung là Nghị định 78 (thay thế Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 và Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2013); Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2013 - sau đây gọi chung là Nghị định 90.
Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành: Về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai, minh bạch; Sửa đổi, bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Nhã Lan