Đồng Tháp: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tham nhũng
Thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Công ước Quốc tế về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân giai đoạn 2012-2016, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp có 90% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện đã qua bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền PCTN; trên 85% cán bộ, công chức, viên chức được quán triệt, học tập nâng cao nhận thức về PCTN và phổ biến đến nhân dân đạt 60%.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2013, tại điểm cầu Đồng Tháp |
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông có những đóng góp tích cực trong công tác PCTN, đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến những thông tin về lĩnh vực PCTN, góp phần nâng cao nhận thức đối với cán bộ, công chức và nhân dân về công tác PCTN. Tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, năm 2013 phát sinh 3 vụ sai phạm, giảm 3 vụ so với năm 2012 (trong đó sai phạm chủ yếu trên các lĩnh vực: tài chính, thuế, ngân hàng; nội dung chiếm đoạt tài sản để tham ô ở mức thấp nhất là 47 triệu đồng và cao nhất 230 triệu đồng). Đạt được kết quả đó là nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sự chuyển biến nhận thức trong công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, nhất là công tác tuyên truyền giáo dục được chú trọng gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nên tình hình tham nhũng có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa phong phú và mang tính thường xuyên, chỉ tập trung vào các đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức mà chưa tiến hành sâu rộng trong quần chúng nhân dân; việc báo chí phản ánh những thông tin thiếu sót của cá nhân, đơn vị không nhận được phản hồi, nên làm cho người đọc thiếu tin tưởng vào sự chỉ đạo xử lý, dẫn đến công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, người trực tiếp phát hiện tham nhũng, khi tố cáo thì việc giải quyết của các cấp chưa kịp thời và thiếu nghiêm minh, từ đó làm cho công tác đấu tranh PCTN còn nhiều bất cập và khó khăn.
Tham nhũng là vấn đề “nhạy cảm” rất dễ phát sinh trên các lĩnh vực như: quản lý sử dụng đất, đầu tư cơ bản, tài chính, ngân hàng, chính sách xã hội... Vì vậy, công tác phối hợp trong PCTN giữa các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ, kích lệ toàn dân mạnh dạn đấu tranh, tố giác đối tượng có biểu hiện tham nhũng, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, quyết liệt hơn để công tác PCTN đạt hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
P.V