Cập nhật các vụ tham nhũng vào tài liệu giảng dạy
Ngày 5-9-2013, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giáo viên, giảng viên do Thanh tra Chính phủ biên soạn.
Cuộc họp đã đề cập đến một số nội dung, gồm: Tài liệu biên soạn bổ sung những nội dung mới của pháp luật phòng, chống tham nhũng được ký, ban hành từ tháng 12-2012 đến tháng 8-2013 để bổ sung, sửa đổi 3 tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giáo viên, giảng viên các hệ trường đã được phê duyệt ở giai đoạn thực hiện thí điểm Đề án 137; tài liệu tham khảo (bao gồm cả tư liệu về các vụ tham nhũng trong và ngoài nước, kinh nghiệm của nước ngoài về phòng, chống tham nhũng); sổ tay công tác phòng, chống tham nhũng.
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Nhai, Thái Nguyên bên báo tường có chủ đề "Liêm Chính Công" |
Tài liệu biên soạn bổ sung những nội dung mới của pháp luật phòng, chống tham nhũng đề cập đến các vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp; việc minh bạch của tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; vấn đề tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng; vấn đề tố cáo hành vi tham nhũng; các cơ quan chuyên trách trong đấu tranh chống tham nhũng...
Tài liệu tham khảo có 3 chương, gồm: Những vấn đề chung về tham nhũng (Chương 1); Tác hại của tham nhũng, những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của tham nhũng đối với Nhà nước, người dân và xã hội với những minh họa cụ thể (Chương 2); Giới thiệu một số kinh nghiệm của nước ngoài về phòng, chống tham nhũng về mô hình tổ chức, các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và các khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực và quốc tế (Chương 3).
Sổ tay phòng, chống tham nhũng gồm 3 chương: Vấn đề cơ bản trong tiếp cận về tham nhũng, định nghĩa tham nhũng, các dấu hiệu đặc trưng của tham nhũng (Chương 1); Các giải pháp phòng, chống tham nhũng (Chương 2); Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và xã hội trong phòng, chống tham nhũng (Chương 3).
Các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí cao về sự cần thiết và ý nghĩa của tài liệu trong công tác giảng dạy về phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tài liệu này sẽ giúp cho giảng viên các hệ đào tạo tham khảo cho việc xây dựng giáo án giảng dạy về chuyên đề phòng, chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên theo Đề án 137. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tài liệu còn dài, một số nội dung cần được điều chỉnh và bố cục lại cho phù hợp; nên cập nhật một số vụ án lớn liên quan đến tham nhũng trong thời gian gần đây để người đọc dễ hình dung; sắp xếp lại các văn bản có trong tài liệu theo nhóm và thời gian ban hành và cần sớm ban hành tài liệu để phục vụ cho năm học mới…
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, thông qua nguyên tắc nhất trí của các thành viên, thống nhất nội dung của tài liệu sau khi đã được sửa đổi, bổ sung các ý kiến tham luận, phát biểu của các đại biểu dự cuộc họp. Đồng thời, kiến nghị với Tổng Thanh tra Chính phủ gia hạn thời gian ban hành tài liệu dự kiến ban hành vào cuối tháng 12-2013; gộp nội dung tài liệu bổ sung vào cùng tài liệu chính để ban hành; có công văn thông báo về thời gian ban hành cho các bộ, ngành có kế hoạch triển khai, chuẩn bị đội ngũ giảng dạy và tài liệu phù hợp với từng ngành nghề trên cơ sở nội dung tài liệu cơ bản mà Thanh tra Chính phủ đã biên soạn.
T.H